Làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số
Bà Đặng Thị Phương Thảo
Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cũng là áp lực tích cực đối với các cơ quan báo chí Việt Nam và với độc giả, thúc đẩy cơ quan báo chí phải thay đổi để tồn tại và phát triển trong thời đại số hiện nay. Thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí với nhiều cách làm mới như: ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; xây dựng và công bố bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí; ban hành Bộ chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia…Đến nay đã có 43 đơn vị (Bộ Nội vụ, Đài Truyền hình Việt Nam và 41 địa phương) ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; có 5 cơ quan báo chí triển khai mô hình thu phí nội dung. Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.
Các tòa soạn cần thay đổi cơ cấu tổ chức và nhân sự
Nhà báo Trần Tiến Duẩn
Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam
Hiện nay, Báo điện tử VietnamPlus đang tiến nhanh trong giai đoạn chuyển đổi số, đã hoàn thiện hệ sinh thái số và sắp tới đây sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý tòa soạn và phát triển sản phẩm. Tôi cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để xây dựng tòa soạn số, do tư duy làm báo truyền thống sẽ khó đáp ứng những yêu cầu, thách thức mới của kỷ nguyên số. Vì vậy, muốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, các tòa soạn cần thay đổi cơ cấu tổ chức, nhất là về nhân sự. Khi đó, trong tòa soạn sẽ không chỉ gồm các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đơn thuần mà còn cần thêm các vị trí cho giám đốc sản phẩm, chuyên viên dữ liệu...Chính vì thế, công tác đào tạo phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, cập nhật kiến thức mới cho toàn bộ các cấp, từ cán bộ quản lý tới nhân viên. Việc đào tạo phải gắn với thực hành, tập làm quen với văn hóa A/B testing (thử nghiệm sản phẩm), văn hóa sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định.
Đổi mới sáng tạo phải là yếu tố sống còn quyết định thành công của chuyển đổi số
Nhà báo Ngô Việt Anh
Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và mạng xã hội đòi hỏi báo chí phải thay đổi từ kỹ năng, phương thức sản xuất đến cấu trúc mô hình tòa soạn để hoạt động hiệu quả hơn, thích ứng với sự thay đổi của công chúng. Mô hình tòa soạn số đã hội tụ công nghệ và nội dung, vận hành theo hướng “multi-platform” (đa nền tảng) và “digital first” (chú trọng nội dung số) và lan tỏa thông tin trên mọi nền tảng mà độc giả hiện diện. Chuyển đổi số không chỉ là tạo ra sản phẩm mới, cách thức tiếp cận mới với độc giả, thậm chí tạo ra cả văn hóa mới trong tòa soạn. Tinh thần tự đào tạo, đổi mới sáng tạo phải là yếu tố sống còn quyết định thành công của chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo, trong 2 năm qua, Báo Nhân Dân đã xây dựng đội ngũ nhân sự đa năng có khả năng tác nghiệp nhiều loại hình báo chí, trên nhiều nền tảng, ghi nhận sự gia tăng vượt trội lượng truy cập trên các nền tảng để đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với diện bạn đọc rộng mở hơn.
Áp dụng công nghệ và đào tạo nhân lực
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng
Trưởng Ban Thư ký biên tập, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội nhà báo VOV
Đến nay, VOV là cơ quan báo chí Việt Nam duy nhất có đầy đủ 4 loại hình báo chí gồm phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử. Ngoài ra, VOV phủ rộng với nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhất (13 ngôn ngữ), nhiều ngôn ngữ nước ngoài nhất (13 ngôn ngữ). Xác định tầm nhìn trong hệ sinh thái báo chí số là xây dựng một môi trường nội dung đa dạng và phong phú, cung cấp thông tin từ nhiều góc độ và chủ đề khác nhau, hướng tới sự hiện đại và sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung và truyền thông để đảm bảo thu hút độc giả ở mọi độ tuổi và sở thích.
Trong thời gian tới, mục tiêu của VOV đặt ưu tiên phát triển những yếu tố về áp dụng công nghệ và đào tạo nhân lực. Cụ thể, tiếp tục số hoá quy trình sản xuất gồm các công đoạn thu thập, lưu trữ, chia sẻ, lập lịch, phát và truyền thông, phân phối nội dung trên mọi loại hình, nền tảng (bao gồm các nền tảng truyền thống, nền tảng số của riêng VOV và các nền tảng mạng xã hội, xuyên biên giới). Cùng với đó, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và nhân viên để có nhìn nhận đúng đắn, kịp thời về hệ sinh thái báo chí số; đào tạo kỹ sư phần mềm, kỹ sư quản trị hệ thống, kỹ sư phân tích dữ liệu để khai thác và đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số.
Từ truyền thống đến phương tiện truyền thông số công nghệ hiện đại
Ông KHIEU KOLA
Thành viên Đoàn Chủ tịch, Cố vấn Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ)
Cách mạng chuyển đổi số là sự kết hợp giữa những quy trình và tư duy, từ đó tác động lớn đến xã hội. Campuchia đang tích cực áp dụng công nghệ số trong các bộ ngành và tổ chức công, góp phần phát triển quá trình chuyển đổi số Chính phủ với mục tiêu nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ công kịp thời. Trong năm 2023 và 2024, CCJ nhận thức rõ việc cần đào tạo và kết nối khoảng 500 nhà báo thành viên để thích ứng với môi trường công nghệ và chuyển đổi số. Thế nhưng, truyền thông Campuchia còn gặp khó khi chuyển đổi số chưa được phủ rộng rãi. Các cơ quan báo chí Campuchia cũng hiểu rõ cần thích ứng sớm để theo dòng xu hướng và “sống sót” trong môi trường đầy cạnh tranh. Vì vậy, quá trình chuyển đổi số báo chí Campuchia gắn liền với 3 chiến lược lớn của quốc gia đó là chính quyền số, kinh tế và thương mại số, từ đó thúc đẩy phát triển của thương mại điện tử và góp phần vào sự đa đạng hóa nền kinh tế quốc gia. Trong thời đại báo chí ngày nay, không chỉ các nước ASEAN nói chung mà ngay cả Việt Nam, Campuchia không nằm ngoài xu hướng này. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp trong chuyển đổi số.
Cần hỗ trợ những cơ chế quản lý hiệu quả hơn với các mạng xã hội
Ông Aditta Kittikhoun
Hội Nhà báo Lào
Quá trình chuyển giao từ báo chí truyền thống lên trực tuyến thông qua các website và sau đó là mạng xã hội - tạo ra những cơ hội và thách thức nhất định. Thách thức như mạng xã hội nắm quá nhiều quyền kiểm soát, từ là kênh phân phối cho tới đối thủ cạnh tranh của các công ty truyền thông khác; trùng lặp nội dung và giảm sự phát triển của các websites. Trong khi đó, cơ hội là tạo ra hình thức truyền thông mới tiếp cận nhiều người hơn, tạo sự trao đổi mạnh mẽ hơn. Chính phủ Lào nhận thức mạng xã hội là trung tâm để phân phối thông tin hiệu quả. Theo tôi, các Chính phủ, liên hiệp báo chí cần hỗ trợ những cơ chế quản lý hiệu quả hơn với các mạng xã hội, các hãng truyền thông cần đầu tư công nghệ mới như AI, cân nhắc mô hình kinh doanh mới nhằm đạt sự tin cậy của khách hàng, sử dụng nền tảng mới như Tiktok, đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin. Cùng với đó, người dân cần tư duy phản biện nhưng mang tính xây dựng với các công ty truyền thông.
Đòi hỏi những chiến lược thay đổi tư duy chuyển đổi số trong làm báo
Nhà báo WU Rui Ming
Báo Shin Min Daily News, Hiệp hội Truyền thông và Xuất bản sáng tạo của Singapore
Báo Shin Min Daily News ra đời năm 1976. Từ những tờ báo in đen trắng khổ to đến nay báo đã có một tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ với những tờ báo số có thu phí. Cụ thể, ngoài việc đưa tin dưới dạng truyền thống (báo giấy), tờ báo cũng lựa chọn các bản tin quan trọng để livestream trên Facebook; tận dụng lợi thế của các nền tảng khác như Instagram, TikTok…Ngoài ra, tờ báo cũng thực hiện mô hình “báo số” dưới hình thức website, trong đó cho phép độc giả mua thẻ thành viên/trả phí để tiếp cận ấn phẩm truyền thống. Sự chuyển đổi này đòi hỏi những chiến lược thay đổi tư duy của người làm báo để thích nghi. Với số hóa và internet, những người làm báo có thể tham gia vào sân chơi rộng hơn, lớn hơn, tận hưởng cơ hội. Cần tận dụng thời đại số để cải thiện công việc, chúng ta không chỉ đi nhanh hơn trong việc sản xuất bản tin mà còn cải thiện hiệu quả của quy trình hoạt động trong văn phòng tòa soạn.
Cần phải tính toán tới giải pháp xây dựng tòa soạn số từ góc nhìn công nghệ
PGS, TS Trần Quang Diệu
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Vấn đề tổ chức và quản lý hoạt động báo chí truyền thông đang trở thành vấn đề quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan báo chí. Một trong những khía cạnh quan trọng của hoạt động này là tổ chức và quản trị tòa soạn. Dưới tác động của công nghệ số, mô hình quản trị tòa soạn đã và đang thay đổi từ việc tổ chức sản xuất sản phẩm đến việc quản trị tòa soạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của của công chúng. Các cơ quan báo chí Việt Nam đã chuyển đổi rất nhanh khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Để thực hiện xây dựng mô hình tòa soạn số, một cơ quan báo chí truyền thông cần bảo đảm thực hiện tốt các yếu tố: Xây dựng văn hóa và chiến lược số; gắn kết độc giả; chuyển đổi và thay đổi và cải tiến quy trình; công nghệ và phân tích và quản lý dữ liệu. Trong đó, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng được môi trường văn hóa và xây dựng chiến lược số cho từng hoạt động của đơn vị, từ khâu quản lý tòa soạn đến khâu sản xuất sản phẩm và phát hành, xuất bản.
Gửi phản hồi
In bài viết