Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar.
Mặc dù là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bất hòa với nhau trong nhiều vấn đề.
Đáng chú ý nhất là việc Ankara ký Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) năm 2019 để phân định các khu vực hàng hải giữa hai bên, mở đường cho việc triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí sau này.
Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu khu hành lang ranh giới do hai nước thiết lập không gần với đảo Crete thuộc chủ quyền Hy Lạp. Các lãnh đạo Hy Lạp cho rằng, thỏa thuận của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm luật pháp quốc tế vì bỏ qua sự hiện diện của đảo Crete.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, bờ biển phía Đông của đảo Crete và một nửa biển Aegean rộng gần 18.000 dặm vuông thuộc về nước này. Đây là một phần khái niệm “Tổ quốc Xanh” mà những người theo chủ nghĩa Ottoman mới trong đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thường xuyên đề cập tới.
Chính vì tranh chấp nói trên, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp thường xuyên đưa ra những phát ngôn mang tính thù địch nhằm vào nhau khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại. Bởi tranh chấp có thể là yếu tố khiến cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp thiếu bền vững và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành xung đột khó có thể kiểm soát. Các nhà lãnh đạo EU đã nhiều lần kêu gọi hai bên giải quyết khác biệt một cách hòa bình, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế và lợi ích sống còn, hợp pháp của các quốc gia; đồng thời ngồi vào bàn đối thoại để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau vì lợi ích của sự ổn định khu vực ở Đông Địa Trung Hải.
Trên thực tế, dưới sự thúc ép của EU và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã nhiều lần đối thoại để tạo cơ sở cho việc phân định ranh giới trên biển, song không đạt được kết quả đột phá. Do lợi ích quá lớn từ nguồn tài nguyên phong phú ở Đông Địa Trung Hải, mồi lửa tranh chấp vẫn âm ỉ khi hai quốc gia này chưa thể tìm một tiếng nói chung để hóa giải mâu thuẫn.
Quan hệ hai nước chỉ được “xoa dịu” sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu thảm họa động đất kinh hoàng hồi đầu tháng 2-2023. Hy Lạp là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia hỗ trợ cứu nạn tại nước láng giềng. Bỏ qua bất đồng, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ và cùng người đồng cấp Mevlut Cavusoglu thị sát những khu vực bị động đất tàn phá ở Hatay.
Sau cuộc “ngoại giao động đất” nói trên, lập trường căng thẳng giữa hai bên đã dần giảm bớt. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại các cuộc họp cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực không liên quan đến tranh chấp.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos tới Thổ Nhĩ Kỳ được xem như một nỗ lực để thu hẹp bất đồng. Phát biểu sau hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar bày tỏ hy vọng, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể giải quyết các tranh chấp; đồng thời, cho biết Ankara sẵn sàng đối thoại với Athens. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos kêu gọi hai nước tăng cường tiếp xúc và hợp tác. Ông khẳng định Hy Lạp sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết sau động đất.
Theo các nhà phân tích, những xung đột kéo dài sẽ không mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và việc tìm ra một tiếng nói chung thông qua đàm phán song phương được cho là giải pháp cấp thiết để cứu vãn mối quan hệ giữa Ankara và Athens.
Gửi phản hồi
In bài viết