Nhãn Bình Ca mất giá dù bội thu

Tháng 8, trời vào thu, khi mà những đợt nắng nóng đỉnh điểm bắt đầu thưa dần cũng là lúc vào vụ nhãn tại xã Thái Bình (Yên Sơn). Tuy nhiên, năm nay niềm vui không trọn vẹn do giá nhãn giảm nhiều so với các năm trước.

Năm nay nhãn toàn xã được mùa, sai lúc lỉu khắp các vườn, bao gồm cả thương hiệu nhãn Bình Ca giống từ nhãn lồng Hưng Yên và nhãn ta (loại cùi dày, ngọt). Toàn xã có 112,28 ha trong đó có 80 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng toàn xã ước tính đạt 1.500 tấn, gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch được trên 70% sản lượng.

Nhãn đã được thu hoạch tại hầu hết các vườn ởxã Thái Bình.

Theo chia sẻ từ một số hộ dân trong xã, nhãn năm nay bội thu, sản lượng tăng gấp hai, gấp ba so với năm ngoái. Trong đó, nhãn trồng tập trung ở 5 thôn: Thôn 3, 4, 5, 6, Bình Ca. Dọc đường thôn 3, xã Thái Bình, dễ dàng nhìn thấy những vườn nhãn trải dài hai bên đường dọc đường quốc lộ.

Nhãn ghép cho quả to, sai trĩu cành, dày cùi.

Hầu hết các hộ gia đình tại đây đều cắt nhãn và đóng hàng tại nhà, sau đó các lái buôn lẻ trong và ngoài tỉnh sẽ tìm đến và thu mua. Dù được mùa là vậy nhưng theo hộ gia đình anh Vũ Sơn Tùng, thôn 3 nhận định, “năm nay là năm chết” bởi rớt giá do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thị trường khan hiếm dù sản lượng gấp ba lần năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Nương, thôn 3, một chủ hộ trồng nhãn trong xã cho biết, năm nay cả vườn phải được gần một tấn nhãn nhưng giá thì “đội sổ”. Những năm trước, giống nhãn lồng Hưng Yên gia đình chị bán được 30.000 - 40.000đ/kg, thì nay chỉ còn từ 13.000 - 15.000đ/kg.

Theo chia sẻ từ ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình, giá bán trung bình nhãn tại Thái Bình từ 10.000đ/kg, năm 2019 giá trung bình là 20.000đ/kg. 

Bà Nương thăm vườn, ánh mắt đượm buồn kể chuyện nhãn mất giá năm nay.

Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, nhãn ngọt là tùy cây, nếu không thu hoạch đúng thời điểm nhãn sẽ mất độ ngọt. Bên cạnh đó, thời tiết cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng quả.

Một thương lái từ Đoan Hùng (Phú Thọ) đang thu mua tại nhà dân, mỗi xe như vậy chở được khoảng hơn 80kg nhãn các loại.

Dịch bệnh khiến dịch vụ hàng hóa online phát triển mạnh, chị Nguyễn Hươngthôn 3 nhanh nhẹn quảng cáo “facebook Nguyễn Hươngcó bán nhãn, ship tận nơi nhé!”. Đây cũng là cách giúp gia đình có thêm đầu ra ổn định. Kể từ đầu vụ đến nay, việc kết hợp giữa các kênh bán hàng truyền thống và bán hàng online đã giúp gia đình chị tiêu thụ khoảng 2 tạ nhãn/ngày. 

Số nhãn ghép này được chị Hương mang ra chợ để bán lẻ, một phần nhỏ là để giao khách hàng đã đặt trước.

Anh Tùng giúp mẹ chụp hình sản phẩm để đăng bài bán hàng trên các trang mạng xã hội.

Anh Tùng tâm sự, nhà anh đã mấy đời trồng nhãn. Khoảng 50 năm trước, ông nội bắt đầu trồng giống nhãn ta, mãi đến năm 1987, cây mới đậu quả. Đến nay gia đình vẫn còn khoảng trên 10 gốc nhãn ta, cùi dày, vị ngọt sắc. Bố anh Tùng tếu táo nói vọng ra bảo, nhãn Hưng Yên là “nhãn Tây” hàng hóa rồi, còn đây mới là nhãn ngon. Vườn nhà anh chủ yếu là giống nhãn lồng Hưng Yên hay gọi là nhãn ghép, cho năng suất cao mỗi vụ.

Anh Tùng thu hái nhãn ta cho khách đặt hàng từ trước. Nhãn ta loại này ngọt, ráo nước nhưng giá cũng chỉ bán được 10.000đ/kg.

Giống nhãn ta tuy ngon nhưng quả lại nhỏ cho năng suất thấp, đậu quả nhiều ít tùy vụ, thân nhãn cao khiến quá trình thu hái khó khăn. Thương lái khi đến thu mua thường kỳ kèo trả giá “mềm” chỉ từ 2.500đ - 3.000đ/kg khiến nhiều người dân “ngao ngán” từ chối bán vì không bõ công thu hái. Thế nhưng đây vẫn là giống nhãn được cả người mua, người bán ưu ái, “chỉ người sành ăn mới chọn loại này”.

Dịch bệnh kéo dài khiến tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa gặp phải nhiều khó khăn, những người nông dân chăm chỉ, chịu thương chịu khó vẫn đang từng ngày "sống chung với lũ" như vậy.