Indonesia: Chuẩn bị ‘sống chung’ với dịch trong nhiều năm

Hiện Bộ Y tế Indonesia đã nhận được các chỉ đạo định hướng nhằm bảo đảm rằng các quy định phòng dịch sẽ "đồng hành với cuộc sống hằng ngày" của người dân trong giai đoạn tới dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 204.689.783 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.325.016 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 579.455 và 9.200 ca tử vong mới.

Ngày 10/8, Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 của Chính phủ Indonesia đã ghi nhận thêm 2.048 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ, cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Mốc cao nhất là 2.069 ca tử vong, được ghi nhận vào ngày 27/7 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia hiện là 110.619 ca. 

Số ca tử vong ở Indonesia liên tục gia tăng kể từ tháng 7 và thường xuyên ở mức trên 1.000 ca mỗi ngày trong vài tuần qua. Nước này cũng ghi nhận 32.081 ca mắc mới trong ngày 10/8, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới lên mức 3.718.821 ca.

Theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo, Bộ Y tế Indonesia đã bắt tay xây dựng lộ trình nhằm “giữ cho các hoạt động diễn ra bình thường với một nền kinh tế an toàn hơn” nếu dịch bệnh còn kéo dài trong nhiều năm. Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một dự án thử nghiệm trong 6 lĩnh vực hoạt động cộng đồng, bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, tôn giáo và giáo dục. Theo đó, các hoạt động trên sẽ áp dụng các giao thức y tế và hoạt động dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Theo Bộ trưởng Budi, hiện có 2 ứng dụng sức khỏe là CareProtect và PeduliLindung sẽ được phát triển trở thành công cụ quan trọng để sống chung với COVID-19. Đặc biệt, chương trình thí điểm đề cao giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine. Theo đó, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 được tích hợp dữ liệu trong ứng dụng trên thì sẽ được tham gia các hoạt động với quy trình nới lỏng hơn so với những người chưa tiêm chủng. Hiện Indonesia đã bắt đầu triển khai hệ thống này khi mở cửa thử nghiệm các trung tâm mua sắm ở Jakarta, Bandung, Surabaya và Semarang.

Ngoài việc xây dựng lộ trình để cùng tồn tại với COVID-19, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm và truy vết thông qua việc phối hợp với quân đội và cảnh sát quốc gia. Quốc gia với số dân đông thứ 4 thế giới kỳ vọng với nỗ lực cải thiện quy trình y tế bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, tăng cường xét nghiệm truy vết, sự cân bằng giữa nền kinh tế và sức khỏe dần dần được thực hiện hóa, mặt khác an ninh quốc gia cũng sẽ được duy trì, bảo đảm.

Trước đó, hôm 9/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 từ ngày 10-16/8 tại Java và Bali và từ ngày 10-23/8 tại nhiều khu vực bên ngoài hai hòn đảo đông dân này. Chính phủ cũng quyết định nới lỏng có điều kiện một số hạn chế xã hội, như cho phép mở cửa các trung tâm thương mại, các công ty sản xuất hàng xuất khẩu, tổ chức dạy học trực tiếp và hoạt động cầu nguyện tại nhà thờ.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục