Theo người đứng đầu Văn phòng Tìm kiếm và Cứu nạn tỉnh Gorontalo, hơn 100 người dân đang đào vàng thì hàng chục tấn bùn đổ xuống từ những ngọn đồi xung quanh, chôn vùi các khu trại tạm bợ của họ. Nhân viên cứu hộ đã liên tục đào bới hàng tấn bùn và đống đổ nát để tìm kiếm người mất tích. Khoảng 23 người được lực lượng cứu hộ kéo ra còn sống, trong đó có 18 người bị thương. Trong số 11 thi thể được tìm thấy, có 3 phụ nữ và một bé trai 4 tuổi.
Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia, ông Abdul Muhari cho biết, những trận mưa xối xả đã tấn công huyện miền núi Bone Bolango kể từ ngày 6-7, gây vỡ bờ kè, lũ lụt dâng cao đến mái nhà ở 5 ngôi làng tại Bone Bolango. Gần 300 ngôi nhà bị ảnh hưởng và hơn 1.000 người phải sơ tán đến nơi an toàn.
Afifuddin Ilahude, một quan chức địa phương cho biết, các nhà chức trách đã triển khai hơn 200 nhân viên cứu hộ, bao gồm cả cảnh sát và quân đội, với trang thiết bị hạng nặng để tìm kiếm người chết và mất tích. Tuy nhiên, mưa lớn, nền đất không ổn định và địa hình rừng rậm nguy hiểm đang cản trở chiến dịch cứu hộ.
“Với nhiều người mất tích và một số vùng sâu vùng xa vẫn chưa thể tiếp cận được, số người chết có thể sẽ tăng lên”, ông Afifuddin Ilahude nói.
Hoạt động khai thác mỏ trái phép rất phổ biến ở Indonesia vì có thể mang lại sinh kế cho hàng nghìn người nghèo. Tuy nhiên, do điều kiện lao động không bảo đảm, tai nạn dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong thường xuyên xảy ra. Sạt lở đất, lũ lụt và sập đường hầm chỉ là một số mối nguy hiểm mà các thợ mỏ phải đối mặt. Phần lớn quá trình chế biến quặng vàng liên quan đến thủy ngân và xyanua có độc tính cao, công nhân thường sử dụng rất ít hoặc không sử dụng biện pháp bảo vệ nào.
Gửi phản hồi
In bài viết