Tuyên bố của Iran nêu rõ: “Cộng hòa Hồi giáo Iran coi việc trình bày và thông qua nghị quyết này là một hành động chính trị, không mang tính xây dựng, đồng thời là sự tiếp nối các chính sách thất bại trước đây của một số nước phương Tây, một nỗ lực lạm dụng các cơ chế quốc tế chống lại các quốc gia độc lập”.
Trước đó, IAEA cho biết, Iran đã tăng thêm kho dự trữ uranium được làm giàu lên gần cấp độ vũ khí. IAEA đã kêu gọi Iran cung cấp các câu trả lời “đáng tin cậy về mặt kỹ thuật” về nguồn gốc dấu vết uranium đã qua xử lý tại một số địa điểm ở nước này để “có thể đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn vì mục đích hòa bình” và đảo ngược quyết định cấm một số thanh sát viên có kinh nghiệm của Liên hợp quốc.
Mặc dù số lượng địa điểm mà IAEA nghi ngờ đã giảm từ 4 xuống còn 2 kể từ năm 2019, nhưng những câu hỏi vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng dai dẳng. IAEA xác định các địa điểm có dấu vết uranium là Turquzabad và Varamin. Các thanh sát viên tin rằng, Iran đã sử dụng địa điểm Varamin từ năm 1999 đến năm 2003 như một dự án thí điểm để xử lý quặng uranium và chuyển nó thành dạng khí đốt. IAEA cho biết các tòa nhà tại địa điểm này đã bị phá hủy vào năm 2004.
Cuộc bỏ phiếu của hội đồng gồm 35 thành viên tại trụ sở IAEA ở Vienna (Áo) châm ngòi cho sự leo thang căng thẳng hơn nữa giữa cơ quan này và Iran, quốc gia đã phản ứng mạnh mẽ với các nghị quyết tương tự trước đó.
Theo thông báo, 20 thành viên IAEA đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết này, trong khi Nga và Trung Quốc phản đối, 12 thành viên bỏ phiếu trắng và 1 thành viên không bỏ phiếu. Nghị quyết được đề xuất bởi Pháp, Đức và Anh.
Các nghị quyết chỉ trích của hội đồng IAEA không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng gửi đi một thông điệp chính trị và ngoại giao mạnh mẽ.
Gửi phản hồi
In bài viết