Israel “dọn đường” cho chiến lược mới

Israel vừa tuyên bố rút hàng nghìn binh sĩ ra khỏi Dải Gaza - bước đi có thể "dọn đường" cho một chiến lược dài hạn trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái này báo hiệu sự chuyển hướng của Tel Aviv sang giao tranh ở cường độ thấp hơn dưới sức ép của Mỹ và áp lực kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế.

Quân đội Israel xác nhận sẽ rút 5 lữ đoàn, tương đương vài nghìn binh sĩ khỏi Dải Gaza trong những tuần tới, mức cắt giảm đáng kể nhất từ khi cuộc chiến với Hamas bắt đầu vào tháng 10-2023. Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, Người phát ngôn quân đội Israel, nhấn mạnh, việc giảm bớt binh sĩ không nêu ra bất kỳ sự thỏa hiệp nào cho đến khi tiêu diệt được Hamas, và giao tranh trên khắp Gaza vẫn diễn ra căng thẳng. "Chúng tôi đang điều chỉnh phương pháp chiến đấu cho từng khu vực ở Gaza và điều chỉnh lực lượng cần thiết để thực hiện sứ mệnh theo cách tốt nhất có thể", ông Hagari giải thích.

Việc đưa một số binh sĩ trở lại cuộc sống dân sự một phần được thúc đẩy bởi mong muốn củng cố nền kinh tế Israel, vốn đã bị tàn phá nặng nề do xung đột. Chi tiêu quân sự, doanh thu sụt giảm từ các lĩnh vực như du lịch và giải trí cùng với việc hỗ trợ hàng chục nghìn người sơ tán khỏi khu vực biên giới với Gaza đã gây thiệt hại nặng nề... Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel Amir Yaron thừa nhận trong cuộc họp báo hôm 1-1: “Tổng chi phí quốc phòng và dân sự của cuộc chiến là khoảng 210 tỷ shekel. Ngoài chi tiêu hiện tại, ngân sách quốc phòng trong tương lai dự kiến sẽ tăng trưởng thường xuyên”.

Việc huy động hơn 300.000 quân dự bị của Israel đã giáng một đòn mạnh vào lực lượng lao động của nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Báo Washington Post ước tính rằng, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Israel thiệt hại khoảng 18 tỷ USD - tương đương 220 triệu USD mỗi ngày. Trung tâm Nghiên cứu chính sách xã hội Taub, một tổ chức tư vấn phi đảng phái ở Israel đánh giá kinh tế Israel dự kiến sẽ giảm 2% trong quý IV-2023. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thừa nhận những khó khăn của cuộc chiến tại Gaza, nhưng sẽ tiếp tục "chiến đấu đến cùng", nhằm tiêu diệt Hamas và đưa các con tin bị giam giữ ở Gaza trở về. Trong khi đó, các thành viên khác của nội các chiến tranh, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Tham mưu trưởng quân đội Israel - Trung tướng Herzi Halevi cho rằng cần thiết phải có một chiến lược quân sự mới tại Gaza.

Số dân thường thiệt mạng tăng vọt và điều kiện nhân đạo tồi tệ ở Gaza đã thúc đẩy áp lực quốc tế ngày càng gia tăng về một lệnh ngừng bắn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lần đầu tiên viện dẫn Điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc cho phép ông triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để đưa ra cảnh báo coi cuộc chiến của Israel ở Gaza là đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ủng hộ quyết định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và kêu gọi các thành viên EU có hành động tương tự. Áp lực trong nước và quốc tế đang đè nặng lên chính quyền của Thủ tướng B.Netanyahu. Phong trào phản chiến ngày càng lan rộng trong nước và quốc tế, đòi chấm dứt chiến tranh, đàm phán để giải quyết xung đột. Mặc dù công khai ủng hộ cuộc tấn công của Israel ở Gaza, nhưng các quan chức Mỹ vẫn thúc giục Israel thu hẹp quy mô cuộc chiến.

Trong bối cảnh như vậy, Israel buộc phải xem xét khả năng điều chỉnh chiến lược quân sự của mình tại Gaza. Bên cạnh đó, việc xác nhận kế hoạch rút quân được đưa ra cùng ngày Tòa án Tối cao Israel bác bỏ một phần quan trọng trong kế hoạch cải tổ tư pháp của Thủ tướng B.Netanyahu. Tuy kế hoạch này không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến nhưng nó là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc bên trong Israel. Các chính trị gia cảnh báo không nên khơi lại những chia rẽ đó và làm tổn hại đến sự đoàn kết dân tộc.

“Việc rút quân là một tín hiệu rõ ràng rằng cuộc chiến đang bước vào một giai đoạn mới, phù hợp với những gì Washington yêu cầu”, Trung tướng Mark C.Schwartz, một chỉ huy hoạt động đặc biệt của Mỹ đã nghỉ hưu nhận định. Theo đó, giai đoạn này sẽ liên quan đến việc Israel dừng các cuộc tấn công quy mô lớn bằng đường bộ, đường biển và đường không, thay vào đó lựa chọn các hoạt động nhằm giảm thiểu số người Palestine thiệt mạng.

Chiến lược này có nghĩa là quân đội Israel sẽ duy trì sự có mặt lâu dài bên trong lãnh thổ Gaza, có thể vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Các hoạt động quân sự sẽ giảm dần và sẽ chỉ nhằm vào các cơ sở trọng yếu của Hamas. Chiến lược mới sẽ giảm gánh nặng về chi phí và thiệt hại cho Israel.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục