Thời điểm tổ chức sự kiện này ban đầu được Chính phủ Italia ấn định vào tháng 5-2021 nhưng buộc phải trì hoãn bởi những lo ngại dịch Covid-19 tái bùng phát. Trước thềm bầu cử, giới chức Bộ Y tế và Bộ Nội vụ Italia liên tục khuyến cáo người dân cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, bao gồm việc đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách tối thiểu, thường xuyên rửa tay, kiểm soát thân nhiệt song không buộc phải xuất trình thẻ xanh tại điểm bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử không chỉ để lựa chọn bộ máy điều hành tại các địa phương tương ứng mà còn phản ánh thực lực và uy tín hiện có của các chính đảng tại Italia. Cùng với thủ đô Rome, một số thủ phủ quan trọng khác đều trở thành “chiến địa” thực sự giữa các chính đảng lớn, nhất là trong cuộc đua hướng tới mục tiêu quan trọng nhất, chức vụ thị trưởng.
Trong khi các thành phố Bologna, Trieste lần lượt là khu vực ảnh hưởng truyền thống của đảng Dân chủ và đảng Liên đoàn thì ưu thế vượt trội tại Rome, Milan và Turin ít rõ ràng hơn. Đặc biệt tại Rome, nữ Thị trưởng đương nhiệm Virginia Raggi thuộc đảng Phong trào 5 sao (M5S) phải vượt qua khó khăn rất lớn khi đối diện với 21 ứng cử viên khác, bao gồm những đối thủ tiềm năng như Enrico Michetti thuộc khối trung hữu và Roberto Gualtieri khối trung tả. Tại Milan, đảng cực hữu Những người anh em Italia do nữ chính trị gia Giorgia Meloni lãnh đạo, đang dồn sức ủng hộ cho ứng cử viên Luca Bernardo trong cuộc đối đầu với Thị trưởng Giuseppe Sala.
Trên quy mô toàn quốc, kết quả cuộc bầu cử lần này tại Italia còn cho thấy đánh giá của cử tri đối với vai trò của các chính đảng tham gia Chính phủ liên minh của Thủ tướng Mario Draghi. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu quan trọng, góp phần gợi mở xu hướng lựa chọn ứng cử viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 và cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo trong năm 2023 của Italia.
Gửi phản hồi
In bài viết