Tổng thống Italia Sergio Mattarella (giữa) tuyên bố giải tán Quốc hội và ấn định thời điểm tổ chức bầu cử trước thời hạn.
Báo The Guardian dẫn kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, đảng Anh em Italia theo đường lối cực hữu có thể giành được 24% số phiếu bầu và đứng đầu “cuộc đua”. Tuy nhiên, số phiếu này không đủ quá bán để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Đảng Anh em Italia sẽ phải đàm phán với các đảng phái khác để xây dựng liên minh cầm quyền. Xét theo xu hướng hiện tại, nhiều khả năng đảng Anh em Italia sẽ liên kết với các phe cánh hữu khác như đảng Liên đoàn (dự đoán giành được 14% số phiếu ủng hộ), đảng Forza Italia (với khoảng 7% số phiếu)... Dự kiến liên minh cánh hữu sẽ giành được tới 221 ghế trong tổng số 400 ghế ở Hạ viện và 108 trên 200 ghế ở Thượng viện.
Đây là thông tin được đánh giá là không mấy tích cực đối với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), bởi lập trường quan điểm của các đảng cánh hữu là thường xuyên nghi ngờ sự tồn tại của EU. Thậm chí, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Cải cách châu Âu, ông Luigi Scazzieri cho rằng, một liên minh như vậy “sẽ tạo ra kịch bản biến động hơn nhiều cho Italia và EU”.
Theo thống kê ghi lại, không có quốc gia nào tại châu Âu thay đổi chính phủ nhiều như Italia. Trong vòng 7 thập niên qua, quốc gia này có đến 65 chính phủ. Thông thường, biến động chính trị tương tự tại Italia không gây ra tác động quá lớn đối với châu Âu. Nhưng lần này, bất ổn rơi vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm khi EU đang phải đối phó với những rủi ro về mặt kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề, cũng như rất nhiều tác động khác do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra. Bên cạnh đó, dù Italia chỉ là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu, không có tầm ảnh hưởng quá lớn như bộ đôi đầu tàu Đức - Pháp, nhưng vai trò của quốc gia này cũng mang lại những tác động không nhỏ đối với liên minh.
Trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Italia Mario Draghi là một trong những lãnh đạo tích cực thúc đẩy hỗ trợ Ukraine và các kế hoạch ứng phó của châu Âu đối với Nga, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Việc ông Mario Draghi từ chức chắc chắn sẽ gây ra các xáo trộn đối với những dự định của EU đối với Nga. Khi liên minh cánh hữu cầm quyền tại Italia được thành lập, sự liên kết với EU cũng có nguy cơ bị nới lỏng do lập trường xa rời “ngôi nhà chung” của các đảng phái nói trên. Vì thế, sự bất ổn tại Italia có nguy cơ tạo ra các tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn bộ EU.
Về khía cạnh kinh tế, năm ngoái EU đã đồng ý phân bổ cho Italia 177 tỷ USD để phục hồi sau đại dịch Covid-19, với điều kiện nước này phải thực hiện nghiêm túc hàng chục đầu mục cải cách mà liên minh đề ra trong các lĩnh vực như hệ thống thuế hoặc hệ thống mua sắm của chính phủ... Thủ tướng M.Draghi cũng đã cam kết cải cách triệt để nền kinh tế và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đơn giản hóa bộ máy nhà nước và khuyến khích đổi mới. Khi Thủ tướng M.Draghi đã từ chức, các nhà lãnh đạo EU không khỏi lo ngại về khả năng chính phủ được bầu tiếp theo có chịu trách nhiệm về tài chính hay sẽ bỏ rơi cam kết cải cách kinh tế đã đề ra.
Hiện tại, dư luận đang dần mất kiên nhẫn với những bất ổn trên chính trường Italia, đồng thời hy vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ mang lại sự thay đổi giúp đất nước bên bờ Địa Trung Hải có thể đối phó với những thách thức khẩn cấp đang phải đối mặt.
Gửi phản hồi
In bài viết