Những người di cư trên một con tàu ở biển Địa Trung Hải sau khi được tổ chức từ thiện châu Âu giải cứu.
Chính phủ của tân Thủ tướng Giorgia Meloni hôm 4-11 đã thông qua biện pháp chính thức đóng cửa các cảng để cứu hộ các tàu do NGO điều hành trong khi hơn 1.000 người di cư được giải cứu đang mắc kẹt trên 4 con tàu ở biển Địa Trung Hải. Ngày 6-11, Italia đã cho phép trẻ em, phụ nữ mang thai hay có con nhỏ, hoặc người đang ốm trên tàu cứu hộ Humanity 1 của Tổ chức SOS Humanity của Đức - đang neo tại Cảng Catania (vùng Sicily) - được lên bờ, trong khi 35 nam giới còn lại trên tàu không được tiếp nhận sau khi nhà chức trách kiểm tra y tế và kết luận những người này khỏe mạnh.
Giới chức cũng đồng thời từ chối đáp ứng yêu cầu vào cảng của 2 tàu khác treo cờ Na Uy, hiện chở hơn 800 người ở vùng biển gần đó. Tuy chính phủ Na Uy đã nhắc lại, họ không chịu trách nhiệm với những người di cư được giải cứu trong vùng biển Italia, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Piantadosi khẳng định, những con tàu đó thuộc trách nhiệm của quốc gia mà họ treo cờ và điều này là cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho Italia.
“Chúng tôi tôn trọng nhu cầu của con người và tôn trọng trường hợp khẩn cấp của những người này nhưng sau khi việc kiểm tra kết thúc, những người không đủ tiêu chuẩn theo quy định của các tổ chức quốc tế, phải được đưa ra khỏi lãnh hải của Italia. Vì vậy Humanity 1 sẽ được yêu cầu rời khỏi lãnh hải của Italia”.
Các tổ chức phi chính phủ kiên quyết phản đối quyết định của Rome và cho rằng theo Luật Biển, các quốc gia ven biển có nghĩa vụ cung cấp một cảng an toàn khi khả thi. Tổ chức Ân xá quốc tế và Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) kêu gọi Italia tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong vấn đề này, nhấn mạnh một cuộc giải cứu chỉ kết thúc khi tất cả những người được cứu sống đều được cập bến an toàn.
Italia từ lâu đã trở thành điểm đến chính của những người đi từ Bắc Phi đến châu Âu trên những con thuyền đánh cá, dọc theo tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải. Những con số này đạt đỉnh hơn 150.000 người mỗi năm từ năm 2014 đến năm 2016.
Theo thống kê, gần 20.000 người được biết là đã chết hoặc mất tích khi cố gắng băng qua Địa Trung Hải kể từ năm 2014 - khiến nó trở thành con đường di cư chết chóc nhất trên thế giới. Năm 2017, số người di cư có dấu hiệu giảm sau khi Italia đóng vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực do EU hậu thuẫn cung cấp thiết bị, đào tạo và hỗ trợ hậu cần cho lực lượng bờ biển Libya để ngăn chặn những người xin tị nạn và trả họ về Libya. Dẫu vậy, số người di cư đã gia tăng trở lại trong 2 năm qua bởi nhiều lý do. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 87.000 người đã vượt biên trái phép vào lãnh thổ Italia.
Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Giorgia Meloni đã tuyên bố sẽ trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp. Để thực hiện cam kết, tân Thủ tướng Italia đã kêu gọi "phong tỏa" các tàu thuyền di cư đến từ Bắc Phi và tạo ra các "điểm nóng" do các tổ chức quốc tế quản lý nhằm ngăn chặn những người di cư vượt biển từ Bắc Phi đến châu Âu. Italia cũng dự định đề xuất một hoạt động hải quân của Liên minh châu Âu để ngăn chặn các chuyến vượt biên đầy nguy hiểm.
Các nhà phân tích nhận định, nỗ lực ngăn chặn tàu cứu hộ nhân đạo của các NGO cập cảng Italia có thể dẫn đến những thách thức pháp lý và lượng người vượt biên có thể sẽ tăng lên ở các quốc gia Địa Trung Hải khác như Tây Ban Nha, như đã từng xảy ra 3 năm trước.
Gửi phản hồi
In bài viết