Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Getty
Tuần trước, tờ Financial Times thông tin Riyadh có kế hoạch từ bỏ mục tiêu kéo giá nhiên liệu lên 100 USD/thùng và sẽ tăng sản lượng để bảo đảm vị thế thống lĩnh trên thị trường toàn cầu. Nga phụ thuộc rất nhiều vào lợi nhuận từ dầu khí, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu của nước này vào năm 2023 và 42% vào năm 2022. Do đó, lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tài chính cho cuộc xung đột “đắt đỏ” của Nga.
Alexandra Prokopenko, một nhà kinh tế học và là thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định trên tờ Politico rằng, giá dầu giảm 20 USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại sẽ khiến Nga mất 1,8 nghìn tỷ rúp (20 tỷ USD) doanh thu, tương đương khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
Nhà kinh tế Prokopenko kết luận, điều này sẽ buộc Mátxcơva phải cắt giảm chi phí quân sự, một bước đi không thể xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột toàn diện, hoặc chấp nhận lạm phát gia tăng và lãi suất cao hơn đáng kể.
Saudi Arabia trước đây đã tìm cách thuyết phục các thành viên thuộc liên minh sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài tổ chức (OPEC+) cắt giảm sản lượng để duy trì giá cao hơn. Tuy nhiên, việc thiếu sự phối hợp và các đợt tăng giá đơn phương của các quốc gia như Nga được cho là đã khiến quốc gia vùng Vịnh này thất vọng. Vào tháng 9, giá dầu đã giảm xuống dưới 70 USD/ thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2021.
Theo tờ Financial Times, Riyadh đặt mục tiêu khôi phục quy mô sản xuất dầu vào tháng 12 bất chấp việc giá dầu sẽ giảm kéo dài.
Gửi phản hồi
In bài viết