Quang cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh tư liệu)
Phái đoàn đàm phán Việt Nam đến Hội nghị Geneva với tâm thế của người chiến thắng. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia vào diễn đàn đa phương, có đại diện của năm cường quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến hết sức phức tạp.
Dưới sự lãnh đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, giữ vững nguyên tắc, linh hoạt, chủ động để sau 75 ngày thương lượng, với 31 phiên họp, trong đó có tám phiên toàn thể và 23 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn cùng với rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, để đi đến ký các hiệp định đình chỉ chiến sự, cùng các bên ra Tuyên bố cuối cùng trở thành một văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên các mặt quân sự, chính trị, xã hội và pháp lý.
Nhìn lại chặng đường để đi đến ký kết Hiệp định Geneva là quá trình chiến đấu đầy gian khổ hy sinh vì mục đích độc lập, hòa bình. Cũng vì mục đích ấy mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cố tìm kiếm giải pháp hòa bình để tránh chiến tranh. Trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (ngày 25/11/1945) dù Đảng ta xác định: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”(1), nhưng vẫn chủ trương ngoại giao với Pháp là “độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”(2).
Từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, đại diện Chính phủ Việt Nam đã có những cuộc gặp gỡ, nêu rõ lập trường của Việt Nam là sẽ có những nhượng bộ đối với Pháp về phương diện kinh tế, văn hóa, nhưng yêu cầu Pháp chấm dứt ngay chiến sự ở miền nam, thừa nhận nền độc lập toàn vẹn của Việt Nam. Nhưng phía Pháp chỉ coi Việt Nam là một nước tự trị nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Sau nhiều lần thương lượng, lại trước tình cảnh Pháp đã ký hiệp định với Chính phủ Trung Hoa dân quốc, cho Pháp thay thế quân Trung Hoa giải giáp quân Nhật tại miền bắc Việt Nam; chiều 6/3/1946, tại ngôi nhà số 38 Lý Thái Tổ (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Sainteny bản Hiệp định Sơ bộ, đặt cơ sở để hai bên đi đến đàm phán chính thức.
Tuy vậy, sau hơn hai tháng tiến hành đàm phán tại Fontainebleau (từ ngày 6/7 đến 10/9/1946), do lập trường phía Pháp, cho nên cuộc đàm phán đã không đi đến kết quả. Trước tình thế đó, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp Marius Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại bản Tạm ước 11 điều khoản, nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa. Đây cũng là giải pháp đối ngoại tối ưu để bảo vệ thành quả cách mạng, tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tuy nhiên, “ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”(3), mà hơn nữa trong giới quân sự thực dân nhận định: “Việt Minh hầu như không có quân đội. Lực lượng quân sự chỉ gồm một số đơn vị tự vệ, nghĩa là một lực lượng dân quân nhỏ bé có tinh thần yêu nước. Họ không có một cơ cấu công nghiệp có thể sản xuất được vũ khí và trang thiết bị cần thiết. Hầu như hoàn toàn vắng mặt các kỹ thuật viên và cán bộ có kinh nghiệm. Họ lại không có một chỗ dựa nào ở nước ngoài…”(4), nên họ cho rằng có thể giành lấy thắng lợi bằng sức mạnh quân sự.
Điều đó cũng được thể hiện qua câu nói của Trưởng phái đoàn Pháp Max André ngạo mạn khi tuyên bố với đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau: “Ngài thấy đó, hãy nên biết điều, ngài biết rằng trong trường hợp đàm phán thất bại, ngài sẽ thấy chiến tranh và quân đội chúng tôi sẽ đè bẹp các du kích quân của các ngài trong vài tuần…”(5).
Trước tình thế không còn con đường nào khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên cầm súng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, với tinh thần tự lực, tự cường, chiến đấu giành thắng lợi từng bước, đẩy thực dân Pháp từ kẻ xâm lược ngạo mạn, hy vọng đặt lại ách thống trị bằng những cuộc hành quân dạo mát, ngày càng lún sâu vào thế bị động và phải chấp nhận canh bạc liều lĩnh ở Điện Biên Phủ và phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva.
Như vậy, Hiệp định Geneva là kết quả của quá trình kháng chiến đầy gian khổ hy sinh của cả dân tộc, là văn bản có tính pháp lý quốc tế công nhận thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đã phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ; là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đấu tranh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hiệp định Geneva đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn hội nghị.
Bảy thập kỷ đã qua, nhưng quá trình chiến đấu giành chiến thắng để đi đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva đã để lại cho chúng ta những bài học hết sức sâu sắc.
Trước hết là, bài học kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chính mục tiêu này đã quy tụ sức mạnh của cả dân tộc, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc thắng lợi, là tạo nên sức mạnh để giành được kết quả trong đấu tranh ngoại giao. Đó là sự kiên trì, giành thắng lợi từng bước để đạt mục tiêu độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Thứ hai là, bài học về ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc bất biến. Nguyên tắc bất biến của ta là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy chưa đạt được mục tiêu, nhưng “chúng ta đạt được một hiệp định mà trong đó lần đầu tiên tất cả các nước lớn đều phải công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta, một điều mà không nước nào có được kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Rõ ràng đó là một thắng lợi rất lớn và hoàn toàn phù hợp với chủ trương của ta, lợi ích dân tộc của ta là phải bảo đảm cho được chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ”(6). Đó chính là sự ứng xử linh hoạt, nhằm đạt mục tiêu cao nhất trong đàm phán”.
Thứ ba, cần nhận định và dự báo chính xác tình hình quốc tế làm cơ sở cho tích cực chủ động trong đàm phán, vừa hợp tác vừa đấu tranh, có đối sách phù hợp cho nên tại Hội nghị Geneva ta đã đạt được hiệp định toàn diện cả quân sự, chính trị và pháp lý để giành kết quả cao nhất trong đàm phán, vượt qua tiền lệ chỉ dừng ở hiệp định đình chiến. Đây cũng là bài học hết sức sâu sắc trong giai đoạn hiện nay khi chiến lược, chính sách của các nước lớn tác động hết sức sâu sắc tình hình thế giới.
Thứ tư, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Xuyên suốt cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta luôn tìm kiếm cơ hội và khi có thời cơ đã tận dụng đàm phán để kết thúc chiến tranh. Hội nghị Geneva đã để lại một bài học sâu sắc về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp.
70 năm đã trôi qua, những bài học từ Hiệp định Geneva đã được kế thừa và phát huy để tạo nên nền ngoại giao cách mạng mang “bản sắc cây tre Việt Nam”, giữ vững cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam.
----------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.26.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.27.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.160.
(4) H.Lanu, Tấn bi kịch Việt Nam, Tập san Quốc tế, tháng 10-1954.
(5) https://thanhnien.vn/60-nam-chien-thang-dien-bien-phu-tieng-set-trong-the-gioi-thuoc-dia-18577741.htm.
(6) Bộ Ngoại giao, Hiệp định Giơnevơ - năm mươi năm nhìn lại, Nxb CTQG, Hà Nội, 2008, tr.254.
Gửi phản hồi
In bài viết