Có những quyết định tưởng chừng đơn giản lại không hoàn toàn đúng khi vẫn có những người kén chọn loại vaccine
hoặc chủ quan không muốn tiêm phòng - Ảnh minh họa (Getty)
Quốc gia nào cũng có một tỉ lệ dân số nhất định không muốn tiêm ngừa vì nhiều lý do. Điều này gây trở ngại cho kế hoạch miễn dịch cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của quốc gia đó và thế giới. “Kén cá, chọn canh” hay nguy hiểm hơn là chủ quan không tiêm phòng vì thế cũng sẽ để lại những hậu quả khôn lường trong cuộc chiến chống COVID-19 đang rất cam go hiện nay.
Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc - nơi xuất hiện dịch COVID-19 cuối năm 2019, hơn một năm trôi qua, cuộc sống bình thường đang dần trở lại với nhịp sôi động và sầm uất.
Màn lột xác ngoạn mục ấy đến từ chiến lược tiêm chủng toàn dân được triển khai rộng khắp. Tính đến nay, đã có khoảng 14 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân, trong đó 70% đã tiêm mũi thứ hai.
Trong khi đó, mặc dù là quốc gia có số người tử vong do COVID-19 nhiều thứ hai trên thế giới và đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 3 của đại dịch, tại Brazil, việc người dân kén chọn vaccine làm khó cuộc chiến chống COVID-19 tại quốc gia này.
Các chuyên gia y tế cộng đồng Brazil nhận định thực trạng này cùng với việc tiếp nhận những thông tin sai lệch đang đe dọa phá hoại chiến dịch tiêm chủng của quốc gia.
“Những người mà đặt bản thân họ và toàn bộ hệ thống vào nguy hiểm chỉ là những người ích kỷ, thiếu sự đồng cảm với người khác”, Alexandre Naime Barbosa - một giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang Sao Paulo - nhận xét.
Mới đây, thời báo Manila của Philippines đã đăng bài viết có tiêu đề "Không còn thời gian để lựa chọn", phản ánh chiến dịch tiêm phòng COVID-19 ở nước này bị chậm lại do một bộ phận người dân có tâm lý sợ bị rủi ro khi tiêm chủng và không ít người yêu cầu được lựa chọn loại vaccine để tiêm.
Trong bối cảnh biến chủng Delta khiến cho số ca mắc mới ở Philippines liên tục tăng ở mức đáng báo động, bài báo đã dẫn lời khuyên của Tiến sĩ vi sinh học Nina Gloriani cho rằng, bất kỳ loại vaccine nào được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng đều có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2.
Theo các chuyên gia WHO, các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19. Hệ thống y tế của các nước này cũng phải đối mặt với áp lực cao hơn khi tỉ lệ mắc COVID-19 gia tăng. Nếu không đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, tỉ lệ tử vong sẽ lớn hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Vì vậy, chính quyền cần nhanh chóng tiếp cận tất cả các nguồn vaccine được WHO cấp phép và phân phối, thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, coi tiêm phòng là trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng.
Một số nguồn tin nước ngoài cũng đề cập tới Sinopharm/BBIP và Sinovac là 2 loại vaccine được WHO cấp phép gần đây nhất, đồng thời cũng bị hoài nghi nhiều về hiệu quả.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế WHO nhấn mạnh, việc nghi ngờ tính hiệu quả của Sinopharm/BBIP và Sinovac là không có cơ sở. Thực tế cho thấy, trong số những quốc gia đạt tỉ lệ cao nhất về tiêm chủng, nhiều nước đã sử dụng Sinopharm/BBIP và Sinovac như UAE, Chile, Uruguay...
Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã nhận đặt hàng 2 loại vaccine nói trên cho 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Indonesia (186 triệu liều), Brazil (95 triệu liều), Pakistan (38 triệu liều), Thổ Nhĩ Kỳ (31 triệu liều), Philippines (30 triệu liều), Campuchia (26 triệu liều), Iran (23 triệu liều), Thái Lan (22 triệu liều), Morocco (22 triệu liều), Mexico (22 triệu liều)...
Không còn thời gian lựa chọn
Đến ngày 9/9, đã có 7 loại vaccine phòng COVID-19 được WHO cấp phép sử dụng là: Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức), AstraZeneca của Oxford (Anh), AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen (của Johnson & Johnson, Mỹ), Moderna (Mỹ), Sinopharm/BBIP và Sinovac (Trung Quốc).
Các chuyên gia y tế của WHO khuyến cáo, tiêm phòng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ gia đình, cộng đồng và bản thân chúng ta chống lại COVID-19. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu khoa học được rất nhiều quốc gia thực hiện. Các báo cáo gần đây ở Canada chỉ ra rằng, chưa tới 1% những người đã được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Vaccine đã cho thấy hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng nguy hiểm như Alpha, Delta, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng và tử vong do COVID-19. Bên cạnh đó, một người đã tiêm phòng nếu vẫn nhiễm SARS-CoV-2, các triệu chứng luôn nhẹ hơn những người chưa tiêm phòng.
Vì vậy, WHO kêu gọi người dân ở các quốc gia đi tiêm phòng sớm nhất có thể ngay cả khi đã từng mắc COVID-19, tránh tình trạng chờ đợi và lựa chọn vaccine mà bỏ lỡ một "lá chắn" quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.
Việc kén chọn vaccine được giải thích là vì nhiều người lo ngại về một số phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine. Thế nhưng chính việc nâng lên đặt xuống quá nhiều lại khiến cho dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ, đe dọa sức khỏe của chính người dân, cộng đồng, thậm chí là một quốc gia. Miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi có sự đồng lòng của toàn dân, cùng chung tay hành động vì một mục tiêu chung: Đẩy lùi COVID-19.
Gửi phản hồi
In bài viết