Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng làm rõ việc triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề, Nghị quyết 43/2022/QH15 có yêu cầu chính sách tiền tệ phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5-1% trong 2 năm 2022-2023. Tuy nhiên, đến nay, đã quá nửa năm đầu của năm 2022, đề nghị Thống đốc cho biết việc thực hiện nhiệm vụ nói trên đến nay ra sao? Giải pháp để ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu của Quốc hội đề ra như thế nào?
Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Nhà nước đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8-6.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về kiểm soát lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay áp lực lạm phát trên thế giới rất cao. Ở trong nước, 5 tháng qua, lạm phát tăng 2,25% chủ yếu là do tác động của yếu tố giá mà chưa tính đến những tác động của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, các gói tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả và theo dõi sát những diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến của các gói hỗ trợ để đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp. Bên cạnh phối hợp giữa các chính sách vĩ mô thì việc kiểm soát giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục… là rất quan trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết