Kết nối di sản để phát triển du lịch vùng Việt Bắc

- Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV, năm 2023 do tỉnh Tuyên Quang đăng cai tổ chức. Chương trình là hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa, du lịch thường niên của 6 tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng và Thái Nguyên. Báo Tuyên Quang trân trọng giới thiệu một số ý kiến của các đại biểu tham gia chương trình:

Di sản văn hóa góp phần quan trọng làm nên bản sắc dân tộc của đất và người xứ Tuyên

Đồng chí Nông Quốc Thành
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Di sản văn hóa của Tuyên Quang rất phong phú, đa dạng ở loại hình văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phải kể đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa)... Tuyên Quang cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia. Lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tỉnh có 40 lễ hội đặc sắc, đặc biệt, nghi lễ thực hành “Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Rất nhiều di sản văn hóa của Tuyên Quang đã được bảo vệ và phát huy tốt giá trị. Tôi đánh giá cao ngành văn hóa đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần quan trọng làm nên bản sắc dân tộc của đất và người xứ Tuyên. Thời gian tới, Tuyên Quang cần đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch đồng bộ và quan tâm hơn, mặt khác các địa điểm lịch sử cần được nghiên cứu và khai thác hiệu quả hơn; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; cần gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. 


Phát triển du lịch không tách rời mối liên kết hợp tác

Đồng chí Nguyễn Đặng Ân
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn hiện có gần 300 lễ hội trong đó nổi bật là lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ. Lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm và đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là dịp để người dân tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn công đức của Quan lớn Tuần Tranh (được thờ tại đền Kỳ Cùng) và Tả Đô Đốc Hán Quận Công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) là những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân và mở mang phố chợ Kỳ Lừa, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, hướng đến những ước nguyện tốt đẹp về một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát tài phát lộc, may mắn, hạnh phúc.

Tỉnh Lạng Sơn xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển du lịch không tách rời mối liên kết hợp tác với các tỉnh trong vùng, trong nước và hợp tác quốc tế. Để nâng cao việc liên kết hợp tác giữa các tỉnh vùng Việt Bắc, các tỉnh cần định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương mình, tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch, khắc phục sự trùng lặp. Hiện nay, hoạt động liên kết du lịch trong vùng chưa đồng bộ, còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính bề nổi. Vì vậy cần  tập trung tổ chức các sự kiện cụ thể, mang tính chiều sâu, dựa vào tài nguyên du lịch của vùng. Tăng cường kết nối các tour, tuyến, khu du lịch, các nguồn khách, tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn cho du lịch của vùng.


Khai thác di sản văn hóa để tăng “sức bật” cho ngành Du lịch 

Đồng chí­­ Triệu Thị Tình
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang

Tỉnh Hà Giang hiện có 27 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc đã tạo nên nét rất riêng trong bản sắc của Hà Giang như: Văn nghệ dân gian, các nghề thủ công truyền thống, lễ hội nhảy lửa ly kỳ của người Pà Thẻn, người Dao, độc đáo nghi lễ cấp sắc người Dao, hay Lễ hội chợ phong lưu (Háng Phúng Lìu) Khâu Vai mộc mạc, trữ tình... Cùng với đó là các danh lam, thắng cảnh đã và đang trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn như: Di tích kiến trúc nghệ thuật khu Nhà vương, Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, Đèo Mã Pì Lèng, núi đôi Quản Bạ, Chợ phong lưu Khâu Vai, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... Các loại hình di sản luôn được hệ thống một cách cụ thể và cập nhật về hiện trạng, từ đó hình thành nên các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn riêng có trong cộng đồng dân tộc của tỉnh, tạo nên sức hút đối với du khách khi đến với  Hà Giang.


Mang đậm nét đặc trưng xứ Trà

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là vùng đất có khí hậu trong lành, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú. Đến nay, tỉnh có 19 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tiêu biểu như: Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương; múa Tắc xình, Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chay; Nghệ thuật Khèn của người Mông…

Tham gia Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIV, tỉnh Thái Nguyên lựa chọn giới thiệu hình ảnh về những điểm đến du lịch. Nổi bật là những đồi chè xanh mướt, thơ mộng cùng tiết mục hát múa “Người ơi hãy về cùng em” thể hiện tình cảm, lời mời du khách đến với vùng đất “Đệ nhất danh Trà”. Đặc biệt, đại diện của tỉnh Thái Nguyên - Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải sẽ giới thiệu tới du khách những nét đẹp của bản làng và bản sắc văn hóa độc đáo tại Liên hoan các Làng văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc. Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023; là đại diện duy nhất của Đông Nam Á được Tổ chức Du lịch thế giới trao Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất năm 2022. Qua chương trình lần này, tỉnh Thái Nguyên mong muốn giới thiệu vùng đất, con người xứ Trà tươi đẹp, hồn hậu, giàu bản sắc văn hóa; tăng cường nghiên cứu sản phẩm mới, xúc tiến thị trường du lịch nội địa để thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên và các tỉnh Việt Bắc.


Nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo tồn di sản

Đồng chí Hà Văn Tiến
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn

Tuyên Quang có một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, đa dạng cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di sản văn hóa đó đã góp phần quan trọng làm nên bản sắc dân tộc của đất và người xứ Tuyên. Đồng thời, đây là di sản vô giá, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút được nhiều khách du lịch đến với Tuyên Quang nói riêng và Việt Bắc nói chung. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, các tỉnh trong vùng cần tiếp tục tạo dựng môi trường bảo tồn và thực hành di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc; tổ chức các hoạt động, tăng cường giao lưu cộng đồng, câu lạc bộ... nhằm nâng cao ý thức, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo ra lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh mỗi địa phương và cả vùng. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó chú trọng đến di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam”.


Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực 

Đồng chí Nông Thị Tuyến
Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 2.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, còn lại là các các di sản văn hóa phi vật thể như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, nghi lễ Then Tày, Nùng, Thái được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, những năm qua, tỉnh ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2022 - 2025”; thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng”. Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn văn hóa, thể thao và du lịch cho cán bộ văn hóa, trưởng xóm, người có uy tín thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới của tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tổ chức các hoạt động truyền thống, giao lưu văn hóa vùng dân tộc thiểu số, thông tin tuyên truyền tại cơ sở, tổ chức các hội thi, hội diễn hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, Liên hoan hát Then - đàn tính tỉnh Cao Bằng, góp phần xây dựng nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tin cùng chuyên mục