Các quan chức ngoại giao G7 và EU thảo luận về căng thẳng ở Trung Ðông. (Ảnh REUTERS)
Trong khi đó, hàng cứu trợ như thực phẩm và nước sạch vẫn phải chờ để được vận chuyển vào Gaza. Ông Lazzarini chỉ rõ, yêu cầu của UNRWA về cung cấp hàng cứu trợ cho miền bắc Gaza đã bị từ chối.
Cùng ngày, quân đội Israel cho biết, các xe chở hàng viện trợ đã lần đầu tiên đi qua cảng Ashdod của nước này để chuyển hàng cứu trợ vào Gaza. Theo đó, 8 xe của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) chở bột mì đã vào Gaza từ cảng Ashdod, nằm cách biên giới giữa Gaza và Israel 40 km về phía bắc. Tuyến đường mới mở này cho phép vận chuyển số lượng lớn hàng viện trợ cho Gaza bằng đường biển.
Nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn
Ngày 17/4, kênh truyền hình NTV của Nga đưa tin, thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ dịp cuối tuần và gặp Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan. Trước đó, Tổng thống Erdogan cũng thông báo với các nghị sĩ thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền rằng ông sẽ tiếp thủ lĩnh Hamas cuối tuần này.
Với nỗ lực của các nhà trung gian hòa giải Ai Cập, Qatar và Mỹ, vòng đàm phán mới giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel được nối lại hôm 7/4 tại Cairo. Ðến nay, cuộc đàm phán chưa ghi nhận bước đột phá nào trong kế hoạch do các nhà hòa giải đưa ra nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn mới và thỏa thuận thả con tin.
Hamas vẫn giữ nguyên yêu cầu về ngừng bắn vĩnh viễn, quân đội Israel rút khỏi toàn bộ Dải Gaza, đưa những người di tản về lại nơi cư trú của họ, tăng cường các hoạt động cứu trợ và bắt đầu công cuộc tái thiết. Israel lại muốn bảo đảm toàn bộ con tin được trả tự do và tuyên bố không ngừng hoạt động quân sự cho đến khi lực lượng vũ trang Hamas bị loại bỏ.
Trong khi đó, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tuyên bố, Qatar đang đánh giá lại vai trò trung gian hòa giải cho xung đột giữa Israel và phong trào Hamas. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế sử dụng viện trợ nhân đạo như một công cụ để tạo đòn bẩy chính trị.
Kiềm chế căng thẳng leo thang
Cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây leo thang căng thẳng trong khu vực. Ngày 17/4, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi cảnh báo, mọi cuộc tấn công đáp trả của Israel đối với Iran có thể đẩy toàn bộ khu vực vào một cuộc chiến tàn khốc. Ông cho biết, Jordan đang nỗ lực cùng các nước khác ngăn chặn nguy cơ căng thẳng leo thang có thể dẫn đến những hậu quả sâu rộng đối với an ninh và sự ổn định của khu vực.
Người phát ngôn Ðiện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, Nga đang đối thoại cả với Iran và Israel, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết giảm căng thẳng ở Trung Ðông. Theo ông Peskov, Nga đặc biệt quan ngại về căng thẳng leo thang trong khu vực và kêu gọi tất cả các quốc gia ở Trung Ðông kiềm chế.
Ngày 17/4, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã có các cuộc trao đổi tại Jerusalem với Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron và Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Annalena Baerbock, những nhà ngoại giao phương Tây đầu tiên đến Israel sau cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel. Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoan nghênh chuyến thăm của các quan chức ngoại giao Ðức và Anh, tuy nhiên Israel sẽ tự đưa ra quyết định.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo rằng, Iran sẽ có “phản ứng quy mô lớn” nếu Israel có động thái trả đũa, dù là nhỏ nhất. Tuyên bố được nhà lãnh đạo Iran đưa ra tại cuộc duyệt binh quân đội thường niên, diễn ra ở một doanh trại phía bắc thủ đô Tehran.
Trong khi đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết hợp tác chặt chẽ trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Theo thông báo của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 sau cuộc họp ngày 17/4, bên lề hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, G7 sẽ bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ thông qua mọi biện pháp nhằm giảm khả năng của Iran trong việc mua, sản xuất hoặc chuyển giao vũ khí hỗ trợ các hoạt động gây bất ổn trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau cuộc tấn công vào Israel. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, lệnh trừng phạt nhắm vào các công ty của Iran liên quan đến hoạt động sản xuất thiết bị bay không người lái và tên lửa.
Gửi phản hồi
In bài viết