Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại chợ Wuse ở Abuja, Nigeria, ngày 26/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Với trọng tâm là chương trình COVAX, sáng kiến này thúc đẩy tiếp cận công bằng về vắc-xin, công cụ xét nghiệm và phương pháp điều trị cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo WHO, đến nay sáng kiến mới chỉ nhận được 5% số tiền cam kết quyên góp. WHO nhấn mạnh, tình trạng thiếu kinh phí khiến việc triển khai sáng kiến này bị chậm lại.
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 400 triệu người. Theo trang thống kê worldometers.info, đến chiều 9/2, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 401.317.808 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.783.369 trường hợp tử vong. Con số 300 triệu ca chỉ vừa mới được xác nhận ngày 6/1 vừa qua.
WHO lưu ý rằng, thêm 130 triệu ca mắc và 500.000 người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu kể từ khi biến thể Omicron được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại hồi cuối tháng 11/2021. Giới chuyên gia WHO nhấn mạnh, dù vắc-xin phát huy hiệu quả và nhiều ý kiến cho rằng Omicron gây bệnh nhẹ hơn, thì con số nửa triệu người tử vong kể từ khi biến thể này xuất hiện vẫn là điều đáng báo động.
Trong báo cáo công bố hôm 8/2, WHO cho biết, gần 68.000 ca tử vong được xác nhận trong tuần qua, tăng 7% so với tuần trước đó. Báo cáo nêu rõ, Omicron tiếp tục lây lan nhanh và đã được xác nhận ở hầu hết các nước. Biến thể này xuất hiện trong 96,7% số mẫu xét nghiệm được giải trình tự gien trong 30 ngày qua.
Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia cho biết, biến thể Omicron cũng chiếm hầu hết kết quả giải trình tự gien tại đảo Java, nơi chiếm hơn 56% dân số Indonesia. Tại các khu vực khác vẫn có sự cân bằng giữa hai biến thể Omicron và Delta.
Ngày 9/2, khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) thông báo thêm 1.161 ca mắc mới và đây là lần đầu tiên đặc khu này ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 vượt mức 1.000 ca/ngày. Chính quyền Hồng Công đã ban hành các quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Giới chuyên gia Mỹ khuyến cáo duy trì quy định đeo khẩu trang ở trường học và nơi công cộng. Reuters dẫn ý kiến của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm bãi bỏ quy định nêu trên, khi số ca mắc Covid-19 vẫn tăng cao. Khuyến cáo được đưa ra sau khi một loạt bang thông báo kế hoạch dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại một số địa điểm công cộng.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế Cuba, số ca mắc Covid-19 tại nước này ngày 8/2 giảm xuống mức thấp nhất kể từ hôm 5/1. Giới chuyên gia Cuba cho rằng, đảo quốc Caribe đã qua đỉnh dịch và số ca bệnh còn tiếp tục giảm nhanh chóng. Gần 10 triệu người (khoảng 88% dân số Cuba) đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ.
Gửi phản hồi
In bài viết