Ảnh minh họa.
Cụ thể, Nghiên cứu Xu hướng du lịch toàn cầu (GTI) 2023 do Visa công bố ngày 26-9 cho thấy, cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi cách thức thanh toán của khách du lịch khi đến với Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn những người được khảo sát (97%) cho biết, họ ưu tiên các tùy chọn thanh toán không dùng tiền mặt (92% chọn thẻ tín dụng và 87% chọn thẻ ghi nợ) trong các chuyến đi, tinh giản hóa các giao dịch và nâng cao trải nghiệm du lịch nói chung.
Có 64% cho biết đã dùng ví điện tử, cho thấy việc dễ sử dụng, tính bảo mật và độ phủ chấp nhận rộng rãi đang thu hút khách du lịch sử dụng phương thức thanh toán này. Theo Visa, sự phổ biến của ví điện tử báo hiệu sự chuyển dịch hướng tới một hệ sinh thái thanh toán được thúc đẩy bởi công nghệ và có tính kết nối cao.
Cũng theo GTI 2023, thế hệ Z (sinh ra trong thập niên 90 của thế kỷ trước) và các gia đình có trẻ em là các nhóm đối tượng chính đang góp phần làm nên sự bùng nổ du lịch tại Việt Nam. Theo kết quả đánh giá, các gia đình có con nhỏ và thế hệ Silver (tức trên 60 tuổi) là nhóm đi du lịch giải trí nhiều nhất, trung bình 2,4 chuyến trong 12 tháng qua.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, không chỉ tham quan các điểm đến đã được lên kế hoạch, du khách đến Việt Nam có xu hướng chú trọng nhiều đến các chuyến du lịch mang tính trải nghiệm và giải trí. Trong đó, những động lực du lịch chính gồm thư giãn (68%), mua sắm tiêu dùng (43%) và khám phá hoặc thử một điều mới mẻ (43%). Theo nghiên cứu, du lịch đến một đất nước là cách du khách chọn để khám phá văn hóa và trải nghiệm phiêu lưu, và du khách tới Việt Nam cũng có xu hướng lựa chọn những trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa, hòa mình vào phong tục, truyền thống và ẩm thực địa phương.
Đáng chú ý, khi nhận thức về môi trường lên ngôi, du khách tới Việt Nam thể hiện nhiều sự quan tâm và hành động vì nền du lịch bền vững. Cụ thể, 73% người được khảo sát cho biết họ quan tâm hoặc rất quan tâm đến các lựa chọn du lịch bền vững, trong khi 50% ứng viên trả lời đã tích cực tìm kiếm các lựa chọn này khi lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Với số lượng khách du lịch tìm kiếm các lựa chọn thân thiện với môi trường ngày càng tăng, ngành du lịch đang chứng kiến sự thay đổi theo hướng thực hành du lịch xanh hơn, hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, nghiên cứu lần này cũng ghi nhận, với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng, bản thân người tiêu dùng Việt Nam cũng đang bắt đầu thực hiện nhiều chuyến đi trong nước và quốc tế hơn nhằm tìm kiếm cơ hội gắn kết và những trải nghiệm khó quên. Có khoảng 20% số người được khảo sát cho biết, gặp gỡ, kết nối với bạn bè và gia đình là động lực du lịch trong 12 tháng tới. Mua sắm cũng là một phần không thể thiếu khi đi du lịch, nhất là khi sức mua đang tăng. Du khách tìm kiếm những món quà lưu niệm độc đáo, trải nghiệm liệu pháp mua sắm, giúp hành trình du lịch thêm phong phú.
Gửi phản hồi
In bài viết