Màn sử thi "Vĩnh Nghiêm cổ tự" được biểu diễn tại khai mạc lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.
Lễ hội diễn ra từ ngày 3/3 đến hết ngày 5/3 (tức từ ngày 12 tháng 2 đến hết ngày 14 tháng 2 năm Quý Mão). Theo đó, lễ hội có nhiều hoạt động gồm: Rước lễ theo nghi lễ nhà chùa, màn trống hội, múa lân.
Chương trình nghệ thuật khai mạc, với màn sử thi “Vĩnh Nghiêm cổ tự” (gồm 4 chương: Về cõi Phật, Miền đất học, Vĩnh Nghiêm thời kỳ kháng chiến, Yên Dũng ngày mới) do các diễn viên, nhạc công Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn, thu hút đông đảo du khách thập phương thưởng thức.
Tại lễ hội, nhiều hoạt động đáng chú ý diễn ra, như giải vô địch vật dân tộc, vật tự do cấp tỉnh; giải kéo co mở rộng huyện Yên Dũng và các hoạt động giao lưu văn nghệ. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức: Bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đi cầu cần, nhảy bao bố. Trong không gian lễ hội còn có thuyết giảng Phật pháp.
Cùng với đó, tất cả 18 xã, thị trấn trong huyện Yên Dũng cũng tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong các lĩnh vực và hình ảnh, tư liệu về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội.
Đông đảo người dân đến với lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.
Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Dũng cho biết: Chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng với các hạng mục công trình đồ sộ, gắn kết chặt chẽ, mang tính chuẩn mực của chùa cổ Việt.
Chùa còn nổi tiếng bởi giá trị điêu khắc tinh tế, điêu luyện, được thể hiện rõ nét trong hệ thống tượng Phật, được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa xem như một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa tiêu biểu ở miền bắc Việt Nam.
Chùa nổi tiếng với bộ Mộc bản chứa đựng những giá trị to lớn về ngôn ngữ, văn học, y học, phong thủy và thẩm mỹ học…
Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) tọa lạc nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với thế con quy ẩm thực, nhìn ra ngã ba Phượng Nhãn - nơi hợp lưu của sông Thương và sông Lục Nam, vùng Cẩm Lý - cửa ngõ ra vào núi Yên Tử, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo - đền Kiếp Bạc.
Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi Phật hoàng sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm, là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta, từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ, nơi đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần.
Chùa được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.
Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội.
Chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm.
Năm 2013, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của vùng Kinh Bắc, được bạn bè gần xa và khách du lịch quốc tế biết đến.
Gửi phản hồi
In bài viết