Diễn đàn được tổ chức tại Ulan-Ude, thủ phủ Cộng hòa Buryatia. (Ảnh: THUỲ VÂN) |
Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần thứ 2 tập trung thảo luận toàn diện về sự phát triển của Phật giáo, văn hóa, triết học và thực hành Phật giáo, nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác khoa học, giáo dục và văn hóa giữa các tổ chức Phật giáo của các quốc gia khác nhau.
Diễn đàn do Giáo hội Phật giáo truyền thống Nga, Chính quyền Cộng hòa Buryatia, Quỹ Xúc tiến Giáo dục và Nghiên cứu Phật giáo với sự hỗ trợ của Quỹ Roscongress tổ chức tại Buryatia từ ngày 12 đến 14/8/2024.
Tham dự Diễn đàn, có đại diện 15 quốc gia: Bangladesh, Belarus, Brazil, Bhutan, Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Sri Lanka, Nhật Bản và đại diện nhiều khu vực của Liên bang Nga.
Trong thông điệp gửi tới những người tham gia diễn đàn, Tổng thống Nga V.Putin đánh giá cao sự đóng góp của các tổ chức Phật giáo trong việc duy trì hòa bình, hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau trong xã hội, cũng như sự phát triển đối thoại liên tôn giáo và các quốc gia.
Tổng thống Nga bày tỏ tin tưởng, diễn đàn lần này sẽ được tổ chức sáng tạo, mang tính xây dựng, góp phần tăng cường hợp tác nhân đạo quốc tế và triển khai các dự án chung.
Tổng thống Vladimir Putin gửi thông điệp đến diễn đàn. (Ảnh: THUỲ VÂN) |
Phát biểu chào mừng những người tham gia diễn đàn, người đứng đầu Cộng hoà Buryatia Alexei Tsydenov khẳng định, sự hội nhập và các giá trị của Phật giáo ngày càng trở nên quan trọng trên thế giới hiện nay. Buryatia là khu vực nơi mọi người có thể thảo luận sâu sắc về các vấn đề Phật giáo.
Về phía Việt Nam, tham dự sự kiện có Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Chu Văn Tuấn; Tham tán-Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga Lê Quang Anh.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ hơn 2.000 năm trước, trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo đã trở thành tôn giáo hòa bình, dung hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, đồng hành với dân tộc và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ trưởng Nội vụ Việt Nam Vũ Chiến Thắng phát biểu tại phiên toàn thể. (Ảnh: THUỲ VÂN) |
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, trên lĩnh vực văn hóa tinh thần, Phật giáo có những đóng góp lớn cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Một số hệ thống triết lý của Phật giáo đã được dân gian hóa thành những biểu tượng, những chuẩn mực hết sức gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam.
Do vậy, Phật giáo đã nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, được nhân dân đón nhận và từng bước góp phần củng cố, duy trì phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, Phật giáo còn là cầu nối bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thông qua những sinh hoạt Phật giáo, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được phát huy trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Các đại biểu tìm hiểu về Phật giáo trong khuôn khổ các hoạt động của diễn đàn. (Ảnh: THUỲ VÂN) |
Trong khuôn khổ Diễn đàn Phật Giáo quốc tế lần thứ 2 còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như các hội thảo khoa học, triển lãm “Những kiệt tác nghệ thuật từ di sản Phật Giáo”, lễ hội Võ thuật phương Đông.
Gửi phản hồi
In bài viết