WETV do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Công ty Informa Markest, tổ chức.
Sự kiện thu hút sự quan tâm tham dự với hơn 2.000 khách mời. Cùng với các phiên hội thảo tìm kiếm các giải pháp xử lý rác thải tại các đô thị Việt Nam, sự kiện còn mang đến một cách nhìn tổng thể về các giải pháp, công nghệ xử lý chất thải.
Với 35 gian hàng trưng bày hàng loạt các thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đô thị hiện đại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Triển lãm có một số thiết bị tiêu biểu như: các sa bàn điển hình khu xử lý, trạm trung chuyển, xử lý phân bùn bể phốt; các chủng loại thiết bị xe chuyên dùng vận chuyển rác; máy xử lý rác và xe đẩy thu gom có trợ lực cho công nhân dung tích 1.000 lít và thùng đựng rác sau khi đã cho phân loại; hệ thống hấp chất thải y tế công suất 1.000kg/ngày; các sản phẩm vi sinh thân thiện môi trường của các công ty nổi tiếng trên thế giới như: BIOSYSTEM (USA), Công ty LSC Environment Product (USA)…
Nhiều tham luận tại các phiên hội thảo đã được các nhà khoa học, các chuyên gia trình bày làm rõ thêm thực trạng xử lý rác thải tại Việt Nam, đặc biệt các đô thị lớn. Các báo cáo ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc giải bài toán về xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải. Trong đó nêu rõ thực trạng nhiều địa phương hiện nay đang đối mặt với số lượng rác thải hằng ngày quá lớn, trong khi công nghệ xử lý rác thải chưa đáp ứng với yêu cầu….
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền trung và Tây Nguyên, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các tỉnh miền trung và Tây Nguyên phát sinh khoảng 8.500 tấn/ngày. Riêng tại Đà Nẵng, năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn thành phố phát sinh khoảng 1.027 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị khoảng 964 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 100 %; khu vực nông thôn khoảng 63,5 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 100 %. Tuy nhiên, rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và vẫn mang tính khuyến khích.
Toàn khu vực miền trung, Tây Nguyên hiện có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, tỷ lệ các công nghệ được áp dụng tại các cơ sở xử lý là: chôn lấp hợp vệ sinh (30%), đốt (10%), sản xuất phân vi sinh (7%), tái chế (2%). Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại chiếm tỷ lệ lớn (51%), tương đương với 102 bãi trên toàn bộ khu vực miền trung và Tây Nguyên chủ yếu là bãi rác hở, đổ lộ thiên hoặc bán lộ thiên; do đó không bảo đảm các yêu cầu kĩ thuật, vệ sinh môi trường và các bãi chôn lấp chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải và nước rỉ rác. Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các bãi này chủ yếu là phun chế phẩm sinh học hạn chế mùi và côn trùng; rắc vôi khử khuẩn…
Tại WETV, người dân được trực tiếp tham quan và tìm hiểu nhiều mô hình, công nghệ xử lý rác thải hiện đại. Bên cạnh đó, Ban tổ chức bố trí chương trình đổi rác thải lấy quà tặng vì một cuộc sống xanh, sạch, đẹp. Chương trình thu hút đông đảo người dân Đà Nẵng tham gia.
WETV diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố Đà Nẵng đến hết ngày 26/8.
Gửi phản hồi
In bài viết