Muỗi Aedes aegypti.
Trên thế giới, các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung tìm kiếm các hoạt chất có khả năng diệt ấu trùng các loài muỗi truyền bệnh (bọ gậy trong môi trường nước), trong khi các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên có khả năng phòng trừ và xua đuổi côn trùng trưởng thành, đặc biệt là các hợp chất an toàn khi sử dụng trên người, có phổ tác dụng rộng với nhiều loài côn trùng chưa được nghiên cứu nhiều.
Côn trùng là lớp chiếm số lượng lớn nhất trong giới động vật, chiếm gần 80% các loài động vật trên trái đất, trong đó 10.000 loài được coi có hại hoặc gây nguy hiểm cho con người. Trong y tế là các véc-tơ truyền bệnh cho người và động vật; trong nông nghiệp, chúng phá hoại mùa màng.
Các loài côn trùng gây hại phổ biến quanh con người có thể kể đến như ruồi, muỗi, kiến, gián, mối… Chúng không những gây nhiều phiền toái cho cuộc sống con người khi xuất hiện với số lượng lớn, mà còn là tác nhân trung gian lan truyền các mầm bệnh nguy hiểm. Trong số đó, muỗi là tác nhân nguy hiểm nhất, gây ra các dịch bệnh lớn như sốt rét, sốt xuất huyết… Do vậy, từ lâu trên thế giới đã hình thành và phát triển hướng nghiên cứu nhằm tìm kiếm các chất tự nhiên và tổng hợp nhằm tiêu diệt hoặc xua đuổi côn trùng.
Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính Lưu Ðàm Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường sinh địa hóa, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, tác giả sáng chế cho biết, hiện nay, có rất nhiều cách để xử lý ruồi, muỗi và côn trùng như dùng hóa chất, sử dụng các biện pháp xua đuổi (bằng tinh dầu, sóng siêu âm…), dùng sinh vật đối kháng và sinh vật biến đổi gene... Tuy vậy, giải pháp phổ biến nhất đang được sử dụng trên diện rộng ở Việt Nam là dùng các loại hóa chất có nguồn gốc ngoại nhập, các hóa chất này được khẳng định là độc. Riêng hợp chất Propoxur có trong hầu hết các loại thuốc xịt côn trùng được xác định là có nguy cơ gây mắc bệnh máu trắng và u lympho, đặc biệt ở trẻ em.
Chính vì vậy, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính Lưu Ðàm Ngọc Anh và các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường sinh địa hóa, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã cùng nhau bắt tay thử nghiệm một giải pháp mới với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất lượng hóa chất phải sử dụng để kiểm soát ruồi, muỗi hay côn trùng, tăng tính an toàn khi sử dụng; bảo vệ môi sinh và sức khỏe cộng đồng, phổ tác động rộng với hầu hết các loài côn trùng.
Chế phẩm mới có nguồn gốc thảo mộc, tác dụng phòng trừ và xua đuổi nhiều loài côn trùng, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti - tác nhân trung gian lan truyền các bệnh nguy hiểm cho con người và động vật như sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng da, vius Zika,… nhưng an toàn cho da của trẻ em và người lớn, thân thiện với môi trường.
Chế phẩm này được điều chế từ hỗn hợp từ tinh dầu cây giổi chanh kết hợp tinh dầu một số loài thực vật phổ biến như tràm gió, bạc hà á, sả chanh, hỗn hợp có chứa các thành phần chính như: linalool, sabinene, citronelal, neral, geranial, citral đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có khả năng xua đuổi côn trùng. Việc phát hiện các hợp chất, khi sử dụng kết hợp với nhau cho hiệu quả xua đuổi côn trùng rất cao chưa từng được đề cập tới trong các nghiên cứu trước đây.
Theo nhóm nghiên cứu, chế phẩm là minh chứng cho việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên dược liệu hiện có của Việt Nam để sản xuất chế phẩm sinh học có tác dụng xua đuổi và phòng trừ côn trùng. Các chất chiết xuất từ thực vật và tinh dầu cung cấp những giải pháp bổ sung để quản lý sâu bệnh hại, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Do tác động bất lợi của thuốc trừ sâu tổng hợp đối với môi trường và sức khỏe con người, cần phải xây dựng các chiến lược kiểm soát thay thế để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Ðánh giá về sáng chế, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Lê Hồng cho rằng, chế phẩm có phổ tác dụng rộng, ngoài việc phòng trừ và xua đuổi côn trùng gây bệnh còn sử dụng hiệu quả phòng trừ các ký sinh trùng trên da của vật nuôi, bảo vệ các kho lưu trữ tài liệu, thư viện trước sự phá hại của tác nhân sinh học (mối, kiến)… Hơn nữa, chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược nên an toàn cho con người đặc biệt là trẻ em (đối tượng nhạy cảm với chất hóa học như DEET...); thay thế cho các sản phẩm tương tự có nguồn gốc hóa học ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các loài vật nuôi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường sinh địa hóa, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận xét, sáng chế này không nhằm mục đích để tiêu diệt ruồi, muỗi mà là xua đuổi, một giải pháp thân thiện đang được khuyến khích áp dụng hiện nay và hy vọng sẽ có thể triển khai ngay ở quy mô lớn, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.
Hơn nữa, có thể thấy, việc kết hợp giữa chế phẩm được sản xuất từ thảo dược với một lượng tinh dầu của các loài cây hiện có ở Việt Nam để xua đuổi các côn trùng gây hại, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: phòng trừ dịch bệnh, bảo quản lương thực, mẫu vật là một hướng đi mới thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết