Một sự kiện giới thiệu sách thiếu nhi sử dụng bản quyền bộ nhân vật Wolfoo.
Dù là một lĩnh vực mới mẻ trong rất nhiều sản phẩm đa dạng của sở hữu trí tuệ, cấp quyền thương mại nhân vật hoạt hình gây chú ý với những bước tiến nhanh chóng gắn liền sự bùng nổ của công nghệ và nội dung số. Theo cách giải thích phổ biến, cấp quyền thương mại nhân vật (character licensing) là cho phép sử dụng hình ảnh, tên gọi và các yếu tố liên quan một nhân vật được bảo hộ bản quyền để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ. Đó có thể là nhân vật trong phim, ca sĩ, vận động viên, người mẫu, người có tầm ảnh hưởng... là người thật hoặc nhân vật hoạt hình.
Một số nhân vật hoạt hình nổi tiếng, được trẻ em toàn thế giới yêu thích như chuột Mickey, các công chúa Disney (Mỹ), mèo máy Doraemon, Pokemon (Nhật Bản)... đã tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ cũng như độ nhận diện không biên giới cho truyện tranh, phim hoạt hình, thiết bị giáo dục, hàng tiêu dùng, trò chơi điện tử... Năm 2022, số liệu của Licensing Global cho thấy thị trường cấp quyền nhân vật đóng góp 300 tỷ USD cho các doanh nghiệp và tổ chức. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và công nghiệp sáng tạo được chú trọng, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy cơ hội và bắt tay hợp tác nhằm tận dụng tiềm năng tài sản trí tuệ này.
Thực tế, năng lực sản xuất hoạt hình của Việt Nam đã tạo dựng được vị thế nhất định trong khu vực và trên thế giới, như đảm nhiệm gia công cho nhiều hãng phim quốc tế (Pháp, Mỹ, Hàn Quốc...), hoặc tự phát triển thương hiệu và sản xuất cho riêng mình như Sconnect Việt Nam (với phim hoạt hình Wolfoo, Luka, Trạng Quỳnh thời nhí nhố, WOA Fairy Tales...). Các nhà sản xuất hoạt hình liên tục phát triển các bộ nhân vật mới, cấp quyền sử dụng nhân vật như: Wolfoo, Thần đồng Đất Việt, Trạng Quỳnh, Thỏ Bảy Màu... để không chỉ phục vụ khán giả nhí, thanh thiếu niên, mà còn thu hút các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo khi lựa chọn sản phẩm cho con em mình.
Thời gian qua, đã có nhiều sự kiện trao đổi chuyên môn, thực trạng và các giải pháp xoay quanh việc bảo vệ bản quyền và khai thác sở hữu trí tuệ bộ nhân vật hoạt hình cũng là vấn đề được quan tâm, bàn luận tại Việt Nam. Chẳng hạn như hội thảo “Character Licensing - Gia tăng kết nối, mở lối doanh thu” do Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và bản quyền số tổ chức nhân dịp Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4); tọa đàm “Xu hướng thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ” trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam năm 2024 (27/9)...
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Bản quyền của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ WOA Universal (Hà Nội), sau đại dịch Covid-19, không ít ngành nghề bị suy thoái, nhưng việc cấp quyền thương mại nhân vật lại tăng trưởng ngoạn mục. Sự chuyển dịch từ các phương thức mua bán truyền thống sang thương mại điện tử, ngân sách chi tiêu bị siết lại, ưu tiên các trải nghiệm dựa trên cảm xúc và các kênh truyền thông kiểu mới... những yếu tố này đã chi phối cục diện thương mại cả trên thế giới và tại Việt Nam.
Hiện nay, WOA Universal đang hợp tác cấp quyền thương mại nhân vật hoạt hình cùng gần 10 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như thực phẩm, thời trang, sách, đồ chơi... để cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm phong phú, dùng hình ảnh nhân vật “make in Vietnam” tạo dấu ấn đặc trưng và niềm tự hào về văn hóa Việt Nam. Hai thương hiệu tiêu dùng hàng đầu là Bibica và Canifa cũng đã tiên phong trong việc sử dụng bộ nhân vật trong phim hoạt hình sói Wolfoo do Sconnect Việt Nam sản xuất, nổi tiếng với hàng tỷ lượt xem trên YouTube. Bộ nhân vật Wolfoo là một trong số ít nhân vật hoạt hình Việt Nam được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng từ đầu trong chiến lược cấp bản quyền IP.
Bên cạnh cấp quyền IP nhân vật trong phim hoạt hình đã có, Giám đốc Học viện đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect (SAMA) Vũ Thương đề cập đến hoạt động sáng tạo các nhân vật hoạt hình mới để đại diện cho một tổ chức, doanh nghiệp, nhãn hàng hay phần mềm ứng dụng.
Một số hãng có nhân vật thương hiệu (hay còn gọi là linh vật) được phát triển hiệu quả, tương tác thường xuyên với công chúng như Momo, Duolingo, Aeon Mall... “Việc ứng dụng, sáng tạo nhân vật hoạt hình để phục vụ nâng cao trải nghiệm tiêu dùng, quảng bá hình ảnh xuất hiện tại Việt Nam chỉ khoảng từ năm 2020 tới nay và còn rất tiềm năng”- bà Thương nhận định. Nhiều chuyên gia truyền thông, đạo diễn hoạt hình... đồng tình với quan điểm sử dụng nhân vật hoạt hình có nhiều lợi thế: Dễ tiếp cận và chiếm cảm tình của số đông khán giả; không bị hạn chế về không gian hay thời gian, câu chuyện hoặc hình thức thể hiện; không có đời tư hay khả năng làm xấu hình ảnh...
Tuy nhiên, ngành sáng tạo nội dung số tại Việt Nam và hoạt động cấp quyền thương mại nhân vật hoạt hình đều còn rất non trẻ, tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro trong bối cảnh các hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện. Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta có thể hiểu character licensing như một hoạt động khai thác thứ cấp, nơi mà các hình tượng, nhân vật, hoặc biểu tượng được phát triển từ những bộ truyện hay bộ phim nổi tiếng được sử dụng để tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ khác. Bản chất của hoạt động này là một hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ”.
Luật sư cũng nhấn mạnh quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là một tập hợp các quyền mà pháp luật bảo hộ thông qua những tiêu chuẩn khác nhau, và quyền chỉ có giá trị khi được đăng ký. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký và bảo vệ quyền lợi của mình. Thêm vào đó, việc làm rõ quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng, như quyền tác giả hay nhãn hiệu, rất quan trọng. Đặc biệt, do tính trừu tượng và khó chiếm hữu của tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần nghiên cứu và cập nhật hệ thống pháp luật địa phương cũng như quốc tế để bảo vệ tài sản trí tuệ, tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng dù thị trường sôi động, nhưng phần lớn nhân vật hoạt hình được cấp quyền thương mại tại Việt Nam là IP nhập khẩu, xuất xứ từ các hãng phim lớn ở nước ngoài, chưa có nhiều nhân vật hay câu chuyện bản địa. Vấn đề sao chép, làm nhái hình ảnh nhân vật nổi tiếng thế giới cũng gây trở ngại cho việc khai thác giá trị ngành cấp quyền thương mại nhân vật. Phát triển, khai thác đa lĩnh vực các IP hoạt hình là hướng đi tất yếu trong xu thế kinh tế số nói chung và cần nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý, doanh nghiệp công lẫn tư. Để góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam thời gian tới, việc tham vấn, đề xuất và hoàn chỉnh khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ là rất cần thiết để giảm rủi ro, tối ưu hóa lợi ích. Ngoài ra, nên khuyến khích xây dựng các sản phẩm, nhân vật biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế ■
Gửi phản hồi
In bài viết