Tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng
Với địa hình đa dạng gồm núi, biển, sông, đồng bằng cùng điều kiện khí hậu lý tưởng, tại Đà Nẵng đã hình thành nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu du lịch sinh thái như Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng Thần Tài, Khu du lịch sinh thái Lái Thiêu, Khu du lịch sinh thái Suối Hoa... Những khu du lịch sinh thái này đều sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, hạ tầng và các dịch vụ để trở thành những điểm đến hấp dẫn.
Được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố, Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm Đà Nẵng 10km, có diện tích 4.400ha với hệ động, thực vật phong phú. Nơi đây có điều kiện khí hậu lý tưởng cùng những tán rừng nguyên sinh phủ kín các dãy núi thấp nhô ra biển, vừa tạo nên phong cảnh thơ mộng vừa che chắn cho thành phố khỏi những trận bão lớn. Tại đây hiện có 289 loài thực vật cùng 300 cá thể voọc chà vá chân nâu, gà mặt đỏ và nhiều loài động vật quý hiếm khác. Đến với Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, du khách có thể tham quan chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, đỉnh Bàn Cờ, cây đa Sơn Trà hơn 800 tuổi, bảo tàng Đồng Đình hay trải nghiệm dịch vụ lưu trú cao cấp tại Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula.
Như một “ốc đảo xanh” nằm lọt thỏm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), Khu du lịch suối khoáng nóng Thần Tài trải rộng trên diện tích 60ha, có đặc trưng khí hậu 4 mùa trong ngày cùng nguồn nước khoáng chảy từ lòng núi Bà Nà. Tại đây, du khách có thể đắm mình vào dòng suối khoáng mát lạnh tại hồ Huyệt Long hay trải nghiệm tắm nước khoáng nóng, chăm sóc sức khỏe tại khu Onsen Nhật Bản. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các trò chơi giải trí thú vị tại đấu trường bùn, công viên nước, công viên khủng long...
Nếu như những khu bảo tồn thiên nhiên, sinh thái trên hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên hoang sơ cùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí hiện đại thì Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) lại mang vẻ mộc mạc bởi những homestay ngay trong cộng đồng người Cơtu. Tại đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu kiến trúc nhà Gươl cùng các phong tục, tập quán của đồng bào Cơtu như cưới hỏi, múa tung tung da dá, nghề dệt thổ cẩm hay thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc sắc.
“Tôi không nghĩ Đà Nẵng lại có những khu du lịch sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đầy thú vị thế này. Điều đó giúp tôi có thêm góc nhìn đa chiều về Đà Nẵng - thành phố không chỉ có biển mà còn có sự đa dạng văn hóa rõ nét”, chị Mai Hương Liên, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Xanh cho môi trường, xanh từ ý thức
Du lịch sinh thái được xác định là một trong những sản phẩm du lịch chính của Đà Nẵng, cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch nông nghiệp, du lịch MICE... Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trong giai đoạn dịch Covid-19, để bảo đảm an toàn cho du khách, bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng dịch, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tại chỗ cho các nhóm gia đình, học sinh, sinh viên... nhằm thu hút khách nội thành đi du lịch một cách an toàn với khẩu hiệu “Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”.
Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm phù hợp, Đà Nẵng cũng chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường biển và các khu du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành thực hiện chương trình “Clean up Sơn Trà - Vì một Sơn Trà xanh” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa. Chương trình đã thu hút gần 500 tình nguyện viên tham gia. Tôi hy vọng, hoạt động ý nghĩa này sẽ lan tỏa ra nhiều điểm đến khác để Đà Nẵng ngày một xanh, sạch hơn”, ông Vũ chia sẻ.
Bảo vệ môi trường du lịch, ngoài việc giữ gìn màu xanh của thiên nhiên còn là giữ màu “xanh” của ý thức. Chỉ có như vậy, du lịch mới có thể phát triển một cách bền vững...
Gửi phản hồi
In bài viết