Tác phẩm tô màu tranh dân gian Đông Hồ của "các họa sĩ nhí".
Chương trình hướng tới mục tiêu tạo ra một không gian vui chơi, học tập, trên cơ sở khám phá di sản văn hóa Việt Nam và một số nước qua các hoạt động trải nghiệm thú vị cho các bạn nhỏ trong dịp Tết Thiếu nhi.
Tại Bảo tàng, các em nhỏ cùng cha mẹ được tham gia vào hành trình khám phá di sản qua hoạt động trải nghiệm các giác quan: chơi và tìm hiểu các loại nhạc cụ, nguyên liệu dệt vải, tập hát dân ca, tương tác với màn hình vui nhộn trong không gian khám phá.
Bên cạnh đó, các em cũng được tham gia nhiều trò chơi rèn luyện sự nhanh nhẹn và trí tuệ của các nước: Ấn Độ, Malaysia, Nepal, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam...
Những bạn nhỏ khéo léo, kiên trì sẽ được thu hút vào hoạt động sáng tạo cùng con qua tô vẽ, sáng tác tranh.
Rất đông các bạn nhỏ từ mẫu giáo đến tiểu học tham gia vẽ tranh, tô màu, ghép tranh từ những bản in tranh dân gian Đông Hồ.
Ngọc Linh, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên em tô màu trên bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” và được mẹ giải thích cho ý nghĩa của bức tranh.
“Em rất thích bức tranh này, và mong sẽ có dịp được đến làng Đông Hồ để xem các bác làm tranh như thế nào” – Ngọc Linh bày tỏ.
Đặc biệt, những bạn yêu thích truyện cổ tích được thưởng thức các tiết mục múa rối tay của nghệ sĩ múa rối độc diễn đương đại Dương Văn Học. Nghệ sĩ trực tiếp hướng dẫn cho các em nhỏ tập biểu diễn với một số nhân vật rối yêu thích.
Một nét mới trong chương trình năm nay, các em nhỏ có cơ hội khám phá di sản văn hóa qua công nghệ với trải nghiệm nhập vai “Xuyên không cùng con” và VR tour tìm hiểu Chùa Một cột - Diên Hựu.
Các em nhỏ xếp hàng dài lấy số thứ tự, chờ đến lượt mình vào thủ vai người lính chiến đấu thời Lý hoặc tham gia tour du lịch ảo về chùa Một Cột – Diên Hựu, một địa chỉ rất quen thuộc ở Hà Nội.
Đến gần trưa, giờ vui chơi đã hết nhưng các em nhỏ vẫn chờ rất đông, người phụ trách chương trình đành hẹn các em trở lại sau 2 giờ chiều.
Sân khấu múa rối nước chật kín khán giả.
Tại sân khấu múa rối, vé bán khung biểu diễn 10 giờ sáng hết từ trước khi bắt đầu khoảng 15 phút. Ban tổ chức phải kê thêm ghế, nhưng vẫn không đủ.
Nhiều khán giả nhí và bố mẹ chấp nhận đứng dưới nắng nóng oi đầu hè để được tận mắt chứng kiến các tích trò rối nước cổ truyền thú vị.
Các em nhỏ ở độ tuổi 3-10 rất thích thú và ngạc nhiên trước các màn biểu diễn rồng phun lửa, phun nước mà các nghệ nhân rối nước phường Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) biểu diễn.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh góp ý, chương trình nên giảm bớt số tiết mục, thay vào đó tăng tương tác với khán giả, kết hợp với giải thích một số trò trong múa rối, khắc phục nhược điểm trong âm thanh, loa đài…, thì sẽ hấp dẫn hơn nhiều đối với đối tượng khán giả nhí, vốn có đặc điểm tò mò, ham vui nhưng khá nhanh chán.
Ngoài ra, công chúng nhỏ tuổi cũng có cơ hội giao lưu và tìm hiểu văn hoá cùng sinh viên Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Mozambique, Triều Tiên…đến từ Học viện Khoa học Quân sự.
Các em nhỏ được các anh chị sinh viên các nước hướng dẫn cách nói lời chào, cảm ơn qua một số ngôn ngữ; tìm hiểu trang phục và lễ hội; hát giao lưu... Các em có thể khám phá sự đa dạng của thế giới, từ đó tìm hiểu những nét tương đồng giữa Việt Nam và các nước.
Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Thông qua việc tổ chức đa dạng hoạt động, tăng cường các trải nghiệm, khuyến khích sự tham gia của cha mẹ cùng các con, chúng tôi mong muốn các bạn nhỏ không chỉ có cơ hội tìm hiểu, khám phá văn hóa các dân tộc Việt Nam và thế giới mà còn giúp phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và kỹ năng giao tiếp."
"Đây cũng chính là món quà nhỏ của Bảo tàng muốn tặng các em sau những ngày học tập miệt mài. Chúng tôi hy vọng các em tăng cường hiểu biết và trân trọng các tri thức dân gian. Từ đó thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ và gìn giữ di sản văn hoá của cha ông" - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nói.
Song hành cùng nhiệm vụ lưu trữ, trưng bày, giới thiệu và quảng bá những tri thức của các dân tộc Việt Nam và trên thế giới, Bảo tàng Dân tộc học còn là địa chỉ vô cùng quen thuộc của nhiều trẻ nhỏ và phụ huynh vào mỗi dịp lễ tết, Tết Trung Thu, Tết Thiếu nhi….
Bởi vì ở đây, trẻ nhỏ không chỉ được vui chơi lành mạnh trong một không gian xanh mát và đậm chất văn hóa, mà còn được tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên nhất, nhanh nhất, gần gũi và dễ hiểu nhất, từ những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng.
Gửi phản hồi
In bài viết