Đình Tường Phiêu (còn gọi là Đình Cả) nằm trên địa bàn xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ, là một di tích kiến trúc còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu về vật thể và phi vật thể. Đình dựng bằng gỗ lim, đá ong, đất nung. Ảnh: Hoàng Lân
Độc đáo ngôi đình thờ Tản viên Sơn Thánh
Nằm cách Thủ đô Hà Nội 40km về phía Tây, đình Tường Phiêu ở làng Tường Phiêu, xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ là di tích cổ kính nổi tiếng xứ Đoài. Đây là ngôi đình lớn nhất trong vùng, có kiến trúc độc đáo thời nhà Lê thế kỷ XVII - XVIII. Đình thờ phụng 4 vị Thành hoàng làng, đó là: Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng. Ngày 24-12-2018, đình Tường Phiêu được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đình Tường Phiêu có kiến trúc nghệ thuật khá đặc biệt. Trên bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật” dấu ấn thời Lê Trung hưng đậm nét. Ảnh: Hoàng Lân
Đại diện Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) trao bằng Di sản cho Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu vào ngày 12-2 vừa qua. Ảnh: CTV
Theo dân làng, đình Tường Phiêu xây dựng hướng về Tây Nam, quay mặt hướng về ngọn núi Ba Vì, nơi có Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tương truyền rằng trên chính mảnh đất này, vì thương dân làng nghèo khổ, lại chất phác thật thà, nên Tản Viên Sơn Thánh đã đến đây, dạy dân nghề trồng lúa và nghề bắt cá dập sào độc đáo (dùng cây sào lớn, mũi sào có rọ để bắt cá), nên dân làng có cuộc sống ấm no. Hiện nay, lễ hội đình Tường Phiêu vẫn duy trì nhiều nghi thức dân gian truyền thống, trong đó có nghi lễ rước Thánh ban đêm…
Chi tiết mái đình Tường Phiêu. Ảnh: Hoàng Lân
Đình Tường Phiêu có kiến trúc nghệ thuật khá đặc biệt, không dễ gặp ở bất kỳ ngôi đình nào khác. Đình dựng bằng gỗ lim, đá ong, đất nung. Tư liệu của Cục Di sản Văn hoá Việt Nam cho biết, đình Tường Phiêu là một trong những ngôi đình còn giữ được nét thờ cúng đặc trưng rất riêng về Đức Tản Viên Sơn Thánh. Đây là một ảnh hưởng giao thoa văn hóa, cả văn hóa Hán, phật giáo Ấn Độ cùng Đạo giáo bản địa đã tạo ra bộ ba Cao Sơn - Tản Viên - Quý Minh.
Đình Tường Phiêu là một trong những ngôi đình còn giữ được nét thờ cúng đặc trưng rất riêng về Đức Tản Viên Sơn Thánh. Ảnh: Hoàng Lân
Đình Tường Phiêu có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ “Nhất” được chia làm 3 gian 2 chái. Đứng ở sân nhìn vào, đình như một ngôi nhà sàn lớn, được cách điệu uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái và các đầu đao cong. Trên bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật” dấu ấn thời Lê Trung hưng đậm nét. Nghệ thuật trang trí điêu khắc rất tinh xảo, chủ yếu tập trung ở tòa Đại đình. Các bức cốn trong tòa Đại đình được chạm trổ công phu với các đề tài: “rồng mẫu tử” (rồng mẹ và rồng con), chim phượng, hươu, lân…
Đây là một ảnh hưởng giao thoa văn hóa, cả văn hóa Hán, phật giáo Ấn Độ cùng Đạo giáo bản địa đã tạo ra bộ ba Cao Sơn - Tản Viên - Quý Minh. Ảnh: Hoàng Lân
Đình Tường Phiêu nằm trong hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng và là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao. Hiện nay, đình Tường Phiêu còn lưu giữ được nhiều di vật quý, như: Kiệu rước từ thế kỷ XVII – XVIII, 6 đạo sắc phong thời Nguyễn; các di vật bằng gốm khoảng thế kỷ XVIII - XIX…
Phát huy giá trị di tích
Với giá trị độc đáo về văn hoá, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu là công trình mang tính biểu tượng của văn hoá xứ Đoài và là “điểm tựa” tinh thần của người dân nơi đây. Hằng năm, người làng Tích Giang vẫn tổ chức Lễ hội đình Tường Phiêu với 4 kỳ lễ, riêng lễ hội Rằm tháng Giêng âm lịch (tức ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh) là lễ hội lớn nhất, thường kéo dài 3 ngày với nhiều hoạt động độc đáo, thu hút rất đông người dân các làng xung quanh và thị xã Sơn Tây.
Bức chạm “Cô tiên” và trang trí đầu rồng tại đầu dư các kết cấu cột trong đình Tường Phiêu. Ảnh: Hoàng Lân
Mới đây, để phát huy giá trị di tích Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng tuyến du lịch mới, liên kết các điểm di tích trên địa bàn như: Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu, trải nghiệm du lịch nông nghiệp…
Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đánh giá, đình Tường Phiêu còn giữ được rất nhiều kiến trúc “có một không hai”, ngoài ra lễ hội đình Tường Phiêu được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đó là tiềm năng lớn để địa phương phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch.
Hiện nay, đình Tường Phiêu còn lưu giữ được nhiều di vật quý, như: Kiệu rước từ thế kỷ XVII – XVIII. Ảnh: Hoàng Lân
“Với lợi thế về địa lý gần với các điểm du lịch trên quốc lộ 32 như: Làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây (Sơn Tây) - Đan Phượng và các điểm chùa Thầy, chùa Tây Phương (Quốc Oai) và Ba Vì… chính quyền địa phương nên tạo các tuyến điểm du lịch kết nối, tăng cường quảng bá để du khách trải nghiệm cụm di tích ở mạn phía Tây của Thủ đô”, ông Phùng Quang Thắng góp ý.
Du khách tham quan đình Tường Phiêu. Ảnh: Hoàng Lân
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, Sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn mới. Hiện nay, một số sản phẩm du lịch phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn đang được triển khai, trong đó có đình Tường Phiêu.
Sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn mới. Hiện nay, một số sản phẩm du lịch phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn đang được triển khai, trong đó có đình Tường Phiêu. Ảnh: Hoàng Lân
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ rà soát, thực hiện việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết khu vực để tôn tạo, trùng tu và mở rộng di tích, bảo đảm không gian tổ chức lễ hội phù hợp với cảnh quan, môi trường. Đồng thời, huyện tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu, khuyến khích người dân bảo tồn, gìn giữ các nghi lễ truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết