Khung cảnh thanh bình tại Île-aux-Moines.
Sống chậm ở đảo Île-aux-Moines
Île-aux-Moines là đảo lớn nhất trong số các hòn đảo trong vịnh Morbihan. Trên đảo đã có người sống kể từ thời kỳ đồ đá. Cứ nửa tiếng lại có một chuyến phà từ cảng ở Port-Blanc của thành phố Baden chở khách ra đảo Île-aux-Moines. Sau khi đặt chân lên đảo, du khách hãy thuê một chiếc xe đạp để dễ dàng thăm thú. Xe đạp là phương tiện phổ biến nhất ở đây, và dân địa phương còn kẻ vạch sơn màu trên đường để khách nước ngoài không biết tiếng Pháp vẫn có thể đạp xe đi khắp đảo.
Đảo Île-aux-Moines nổi tiếng một phần vì những tấm bia đá và vòng tròn đá cổ đại. Người thời kỳ đồ đá dựng vòng tròn đá để đánh dấu nơi chôn cất người chết hay là nơi thực hiện những nghi lễ tôn giáo. Vòng tròn đá Kergonan ở Île-aux-Moines có bán kính 70m là vòng tròn đá lớn nhất châu Âu. Còn mộ đá Penhap cách đó không xa được trang trí công phu bằng những nét chạm khắc về thần thánh và các công cụ sinh hoạt cổ. Hai công trình trên đều đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia Pháp. Khách đạp xe đi theo hướng vạch kẻ đường màu xanh dương là ghé thăm hết được Kergonan, Penhap và các công trình bằng đá khác.
Nếu du khách đạp xe theo dấu mũi tên màu vàng thì sẽ đến ngôi làng trên đảo. Ngôi làng nhỏ chưa đến 700 dân này có những ngôi nhà 500 tuổi vẫn còn đứng vững. Gần đây có vài kiến trúc sư tham gia phục hồi nhà cổ trên đảo Île-aux-Moines. Họ còn xây thêm một số ngôi nhà mới theo lối kiến trúc cổ. Khách du lịch chỉ cần tản bộ hay đạp xe len lỏi ngóc ngách giữa các ngôi nhà là có thể thưởng thức vẻ cổ kính của làng. Khi du khách đã mỏi chân, hãy dừng lại tại quán cà phê hay nhà hàng giữa làng để nhâm nhi một tách cà phê, một miếng bánh galette đặc sản và ngắm nhìn dòng người qua lại.
Nhà thờ thánh Michael ở làng Île-aux-Moines cũng nhỏ xinh như hòn đảo vậy. Nền móng của nhà thờ được đặt từ thế kỷ IX, khi xứ Brittany còn là một vương quốc độc lập. Tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa, công trình vẫn còn giữ được lối kiến trúc đơn sơ của một nhà thờ nông thôn tiền Gothic. Du khách có thể lên tháp chuông nhà thờ để ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo.
Trung tâm ngôi làng Île-aux-Moines.
Các bãi biển ở Île-aux-Moines không có gì đặc biệt ngoài vẻ hoang sơ. Đây là nơi tuyệt vời để du khách đi bộ hay nằm dài sau một ngày và ngắm nhìn hoàng hôn. Vào mùa thu, những đàn cá đối đỏ hay bơi từ ngoài biển vào dòng sông trên đảo để sinh sản. Nếu là người yêu câu cá, du khách hãy ghé thăm Île-aux-Moines vào thời điểm này.
Và những hòn đảo khác
Ngoài đảo Île-aux-Moines, vùng Brittany còn có một số hòn đảo thú vị khác. Có một mạng lưới xuồng máy và phà kết nối những hòn đảo này, vì thế, du khách không cần phải lo lắng về việc di chuyển. Có thể kể đến đảo Île-de-Bréhat. Đảo này vốn là một khối đất liền vào thời cổ đại, nhưng hoạt động địa chất đã chia tách Île-de-Bréhat thành hai hòn đảo chính và nhiều đảo nhỏ sát cạnh nhau. Bởi vì đảo nằm trên đường đi của dòng hải lưu nước ấm Gulf Stream nên khí hậu ở Île-de-Bréhat rất khác với đất liền, có cảm giác như là một vùng cận nhiệt đới. Trên đảo có giống cây cọ, bạch đàn, các loại hoa thanh anh, cẩm tú cầu và phong lữ vốn chỉ mọc ở các xứ ấm tại Nam Âu. Nhiều loài chim di cư như mòng biển, chim cốc và hải âu cổ rụt cũng bị thu hút bởi khí hậu ấm của Île-de-Bréhat mà làm tổ ở các vách đá, bãi đá trên đảo.
Đảo Ouessant (còn gọi là Ushant) thường được ví von là “người lính gác” vì trấn giữ ngay cửa biển dẫn vào eo biển Mache. Đây cũng là điểm cực tây của nước Pháp. Vì vị trí của Ouessant mà trong lịch sử đã có nhiều trận hải chiến xảy ra quanh đảo giữa hải quân Pháp và Anh. Một số di vật lịch sử về các trận chiến trên sau khi được vớt lên từ dưới biển lại đang được trưng bày ở bảo tàng trên đảo. Ouessant còn nổi tiếng vì xuất hiện trong nhiều tác phẩm của thi hào Rudyard Kipling, tiểu thuyết gia C.S. Forester, đạo diễn Éric Rohmer... Và không thể không nhắc đến loài cừu chỉ có ở đảo Ouessant. Cừu Ouessant là giống cừu nhỏ nhất thế giới và chủ yếu là cừu đen. Khách thăm đảo đừng quên mua một, hai cuộn len cừu Ouessant để làm quà.
Hòn đảo Île de Sein nổi tiếng bởi hai điều, đó là không có cây to và những chiếc mũ cổ truyền của đàn bà nơi đây. Phụ nữ Île de Sein chịu ảnh hưởng của tổ tiên người xứ Wales của họ nên đội những chiếc mũ vải cao gấp đôi đầu mình. Thời Trung cổ còn có truyền thuyết rằng, đàn bà Île de Sein thực chất là tiên cá đội lốt người. Mỗi khi có tàu đi ngang qua đảo, tiên cá sẽ sử dụng vẻ đẹp và chiếc mũ của mình để cuốn hút những người đàn ông trên tàu, buộc họ lái tàu cập bến vào đảo. Đến khi nước rút thì tàu sẽ bị mắc cạn ở rạn san hô quanh đảo. Truyền thuyết tất nhiên là không có thật, nhưng khách du lịch ngày nay vẫn đến Île de Sein để nghe chuyện kể rồi lặn xuống biển và ghé thăm những rạn san hô đủ màu sặc sỡ.
Gửi phản hồi
In bài viết