Những đêm không ngủ
19 giờ 30 phút ngày 9-9, mực nước lũ trên sông Lô tại thành phố Tuyên Quang đạt cao độ 23,36 m. Người dân thành phố “nín thở” theo dõi nước lên. Đến 22 giờ ngày 9-9, mực nước lũ trên sông Lô tại thành phố Tuyên Quang đạt cao độ 24,22 m, ở mức báo động cấp 2, cấp rất nguy hiểm.
Anh Lê Hoài Vũ, tổ 3, phường Minh Xuân chia sẻ, suốt đêm cả gia đình không ngủ để vừa nghe ngóng nước lên, vừa huy động anh em trong gia đình vận chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ. Cứ 1-2 tiếng đồng hồ, gia đình anh vừa cập nhật thông tin trên Báo Tuyên Quang, vừa xem mực nước thực tế dâng lên trên đường Chiến thắng sông Lô.
Nhiều hộ gia đình trong khu vực cũng cùng nhau theo dõi lũ lên và giúp đỡ nhau vận chuyển đồ đạc tại chỗ lên cao. Đến đêm 9-9, được sự giúp đỡ của lực lượng công an, dân quân, gia đình anh đã hoàn thành di chuyển 30 tấn hàng cùng máy móc lên khu vực cao để tránh lũ.
Gia đình ông Lê Đình Bốn, tổ 4, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đang sinh sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, có nguy cơ ngập lụt cục bộ khi nước lũ lên cao. Ông Bốn xúc động nói, sau khi được lực lượng công an phường cùng dân quân hỗ trợ, nay toàn bộ tài sản của gia đình đã được di chuyển đến nơi an toàn. Không ai muốn rời xa trang trại, xa gia đình thế nhưng mưa lũ, thiên tai phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản đầu tiên. Nhờ được sự giúp đỡ của lực lượng chức năng, đến nay gia đình ông tạm ổn định ở nơi ở mới.
Phương tiện bị chết máy do lũ được hỗ trợ kịp thời tại khu vực ngã 8, thành phố Tuyên Quang.
Trước tình hình nước lũ lên nhanh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Nông Tiến đã thành lập các tổ công tác theo dõi các vùng xung yếu dễ sạt lở, ngập lụt trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành di dời 5 hộ dân sinh sống trên nhà bè. Anh Lê Văn Sáng, hộ dân sinh sống trên nhà bè tổ 4, phường Nông Tiến cho biết, hiện nay thuyền bè của gia đình đã được chằng néo an toàn, vợ và con của anh được đưa đến nhà người thân tại tổ 10, Tân Hà. Còn anh vẫn ở lại để trông coi nhà bè và tài sản chờ qua mùa lũ.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Nông Tiến cho biết, các hộ nhà bè hiện chỉ có 1 người ở lại trông coi tài sản, phụ nữ và trẻ em được di chuyển đến nhà người thân trong khu vực thành phố. Dù nhiều người dân không muốn rời xa nhà bè, nơi ở quen thuộc thường ngày nhưng để đảm bảo an toàn thì lực lượng chức năng đã làm công tác vận động, thuyết phục, đồng thời bố trí chỗ ăn nghỉ, giúp đỡ bà con vận chuyển đồ đạc cần thiết đến nơi ở tạm thời.
Đảm bảo an toàn cho Nhân dân
8 giờ sáng ngày 10-9, mực lũ sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang đạt 26,21m, trên báo động 3, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập sâu như đường Chiến thắng Sông Lô, đường Lê Lợi, Lý Thái Tổ, đường Phạm Văn Đồng… Suốt đêm ngày 9-9 đến sáng 10-9, các phường Hưng Thành, Tân Quang, Minh Xuân, Tân Hà, Ỷ La, Mỹ Lâm, Đội Cấn, xã Kim Phú, Lưỡng Vượng… đã huy động tối đa lực lượng căng mình hỗ trợ người dân.
Với phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, các hộ dân đang sinh sống tại nơi có nguy cơ ngập sâu, sạt lở được tổ chức di dời ngay lập tức. Rạng sáng 10-9, lực lượng Quân đội, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông cũng được huy động tham gia hỗ trợ người dân trong vùng ngập sâu tại phường Tân Quang, phường Hưng Thành di chuyển đồ đạc, hàng hóa, phương tiện ra khỏi vùng lũ.
Phường Tân Quang là địa bàn có nhiều tuyến đường, nhiều tổ dân phố ngập do nước lũ nhất tại thành phố đến thời điểm hiện tại. Báo cáo nhanh cho thấy trên 200 hộ dân đã bị ngập trong nước lũ. Đồng chí Vũ Xuân Quỳnh, Chủ tịch UBND phường cho biết, với phương châm “an toàn, tại chỗ, hỗ trợ nhau”, đến nay các hộ dân đã di chuyển được cơ bản đồ đạc để tránh thiệt hại do lũ lụt. Đặc biệt 23 hộ nhà bè trên sông Lô đến nay đã được chằng néo, người già, phụ nữ, trẻ em được đưa lên bờ.
Ông Vũ Văn Dương, tổ 3, phường Tân Quang tâm sự, được sự giúp đỡ của cán bộ, công an phường, gia đình ông đã chằng néo được nhà bè an toàn. Các hộ nhà bè ai không có gia đình người thân để ở nhờ thì được UBND phường bố trí chỗ ăn, nghỉ tại nhà văn hóa phường. Được sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, ai cũng vui vẻ di chuyển ra khỏi vùng lũ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như các thành viên trong gia đình. Ai cũng mong nước lũ mau rút, để trả lại cuộc sống bình yên thường ngày trên dòng Lô.
Tại phường Tân Hà, đến 11 giờ trưa 10-9, có 1,5 km đường trên địa bàn phường bị ngập, 26 nhà bị ngập và ảnh hưởng, khu vực cầu Ỷ La bị sạt lở. Các lực lượng cũng đã được huy động tối đa vừa để giúp người dân di chuyển người và của, vừa bố trí lực lượng canh gác, chăng dây, đặt biển cảnh báo tại khu vực ngập sâu, sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
Anh Trương Văn Báu, Trung đội trưởng Đội dân quân cơ động phường Tân Hà cho biết, tại chốt cầu Trung Quốc từ 8 giờ sáng, mực nước từ mặt nền cầu đã lên cao đến gần 1 mét, mặc dù đã lập chốt chặn tuy nhiên có nhiều người dân có hành động chống đối, muốn vượt lũ qua cầu đi hái rau, đưa phương tiện cá nhân qua cầu… Lực lượng chức năng đã kiên quyết chốt chặn để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân, tránh trường hợp xấu nhất xảy ra.
Như vậy ngay từ chiều 9-9 đến sáng 10-9, các địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động ứng trực 24/24, kịp thời giúp đỡ người dân vùng xung yếu đến nơi an toàn. Đồng thời hỗ trợ tối đa nhân lực, vật lực, phương tiện giúp bà con nhân dân vận chuyển đồ đạc, phương tiện, hàng hóa ra khỏi vùng thiên tai, đảm bảo an toàn về người và của cho nhân dân.
Trước tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường trên địa bàn tiếp tục kiểm tra, rà soát cụ thể tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ trên các kênh thông tin chính thống để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó chủ động, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho bản thân và gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết