Các cơ quan khẩn trương nghiên cứu phương án miễn “giấy thông hành” cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu dễ nhận diện như xe chở rau quả, thực phẩm tươi và chỉ di chuyển trong nội vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ảnh minh họa
Trước thời điểm 19 tỉnh, thành phố phía Nam chính thức thực hiện giãn cách xã hội vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân (0h00 ngày 19/7), chiều nay (18/7), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố thống nhất mọi nguyên tắc đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa thông suốt, đảm bảo phòng chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, tình hình giao thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TPHCM đến 14h ngày 18/7 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Lượng xe lưu thông qua chốt hạn chế hơn các ngày trước và đa số các tài xế đã có kinh nghiệm khi qua chốt nên mất ít thời gian hơn.
Tuy nhiên, ông Huyện thông tin về tình trạng một số chốt kiểm dịch tại Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lạng Sơn…vẫn còn tình trạng lái xe lưu thông không có giấy xét nghiệm COVID-19, có xuất hiện trường hợp khi lực lượng kiểm tra tại chốt thực hiện test nhanh cho lái xe phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, Tổng cục đường bộ đề nghị các địa phương, các Sở GTVT tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp và các lái xe chấp hành nghiêm quy định về y tế.
Về phần mềm đăng ký hoạt động “luồng xanh”, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã “đúng hẹn” khi xây dựng xong phần mềm đăng ký hoạt động trên “luồng xanh” cho xe ô tô vận tải hàng hoá sẵn sàng đưa vào sử dụng từ 19/7. Trong chiều18/7, Tổng cục đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các địa phương.
Ngoài ra, Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng thống nhất với Cục Y tế của Bộ GTVT triển khai tăng cường thêm nhân lực (y, bác sĩ), thiết bị vật tư y tế của ngành giao thông vận tải cho các tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng để hỗ trợ công tác xét nghiệm nhanh theo quy định của Bộ Y tế cho lái xe, người phục vụ theo xe nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho vận chuyển hàng hóa được lưu thông.
Về vận tải đường sắt, đại diện Cục đường sắt báo cáo, hiện nay trên tuyến Bắc Nam chạy 5 đôi tàu hàng và 1 đôi tàu khách vận chuyển khoảng 300 khách/ngày; đang dừng đón, tiễn khách tại 5 ga thuộc địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Khánh hòa; Bình Dương. Các ga không đón tiễn khách trên tuyến đường sắt HN - TPHCM do tình hình COVID-19 phức tạp gồm 6 ga (Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Long Khánh, Ninh Hòa, Vạn Giã). Riêng ga Huế không đón khách từ TPHCM xuống. Hiện Cục đường sắt đã chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sẵn sàng nâng tải để phục vụ nhân dân khi có yêu cầu.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an cũng đã giao trực tiếp Giám đốc Công an tỉnh, thành phố phối hợp với Sở GTVT thống nhất phương án cấp phù hiệu liên tỉnh, nội tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục đường bộ trong triển khai cấp mã QR CODE, lập “luồng xanh” lưu thông hàng hóa. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã có phương án phân luồng từ xa, nhận diện từ xa để đảm bảo giao thông thông suốt, phân “luồng xanh” ưu tiên đối với phương tiện chở hàng thiết yếu, xe cứu thương…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đến nay toàn ngành giao thông đã cơ bản xây dựng đầy đủ các phương án, nguyên tắc tổ chức vận tải hàng hóa, ban hành đầy đủ các hướng dẫn, đề nghị 63 tỉnh, thành phố thống nhất tổ chức thực hiện. Đề nghị các địa phương ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho lái xe tại các chốt; tăng cường kiểm soát, kiểm tra, tuyệt đối ngăn chặn trường hợp xe, phương tiện thủy vận tải chở người trái phép… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Cầu các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án miễn “giấy thông hành” cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu dễ nhận diện như xe chở rau quả, thực phẩm tươi và chỉ di chuyển trong nội vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Bộ GTVT cũng khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo tiền phương của Bộ chịu trách nhiệm thường trực kiểm tra, phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà địa phương đề xuất, doanh nghiệp, lái xe kiến nghị.
“Tinh thần toàn ngành giao thông hiện nay, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các Sở GTVT phải khẩn trương, trách nhiệm, chủ động, linh hoạt trong nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đình trệ lưu thông hàng hóa, đảm bảo hàng hóa đến được tay người dân”, Bộ trưởng yêu cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết