Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển xanh, phát triển bền vững là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra; tình hình biến đổi khí hậu những năm gần đây rất cực đoan; nước ta là một trong những nước chịu tác động rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu này, thể hiện qua cơn bão số 3 (Yagi), ngoài ra là các tình trạng sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập mặn, thiếu nước… Đây là những yêu cầu cấp bách của yêu cầu phát triển, đòi hỏi chúng ta phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta nói riêng và thế giới nói chung.
Năm 2025, Trung ương quyết định phải đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo tiền đề, khí thế, động lực cho giai đoạn 2026-2030 đạt tăng trưởng 2 con số, do đó yêu cầu tăng trưởng điện phải bảo đảm đạt ít nhất 12-16%. Năm 2024, tăng trưởng đạt hơn 7% nhưng tăng trưởng điện đã đạt 12-13%. Tăng trưởng điện là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Chúng ta đang triển khai trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu… rất cần sự ổn định về tăng trưởng năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng nhanh và bền vững là yêu cầu cấp bách đặt ra cho đất nước ta hiện nay. Vì vậy, phát triển điện hạt nhân là một trong những giải pháp phải làm; thế giới hiện nay cũng đang đi theo xu thế này. Do đó Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được thành lập, đã họp phiên thứ nhất.
Tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, lập kế hoạch chi tiết triển khai: cần làm rõ ai làm, tiến độ như thế nào, sản phẩm là gì? Bộ Công thương tổng hợp trình Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ hai này. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ dự án điện hạt nhân, khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư bảo đảm tiến độ chung của dự án.
Đại diện các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch hằng năm, kế hoạch 5 năm để hoàn thành xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân. Phiên họp này cần bàn thêm về đề xuất của các bộ, ngành, chỉ rõ vướng mắc gì? Vấn đề gì cần chỉ đạo để tháo gỡ? Đưa ra lộ trình trong bao nhiêu năm để xây dựng xong một hay hai nhà máy? Trong quá trình đó cũng đặt ra vấn đề chuyển giao công nghệ, phải có nguồn nhân lực, tính toán cần phải đào tạo tập trung thêm theo ngành, sản phẩm; nguồn nhân lực bao gồm cả kỹ sư, công trình sư, công nhân lành nghề… Thủ tướng cũng nêu vấn đề về vốn, ai làm...?
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo Thủ tướng, không chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà cả Tập đoàn Petrovietnam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đang làm nhiều công trình năng lượng…, trong đó Petrovietnam là tập đoàn năng lượng quốc gia nên cần tham gia quá trình này. Hiện nay, chúng ta chỉ bàn làm, làm như thế nào, ai làm, làm bao lâu thì xong, cần tiền, cần cơ chế gì, lộ trình đưa ra như thế nào… để bám sát lộ trình, hằng tháng họp kiểm điểm từng nhiệm vụ cụ thể, từ đó đôn đốc thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh lại kinh nghiệm thực hiện dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bám sát tiến độ, chất lượng thì mới hoàn thành công trình theo mục tiêu đề ra; việc nữa là cần có Tổ giúp việc chuyên trách (không kiêm nhiệm) giúp việc cho Ban Chỉ đạo; phân công 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm”; xây dựng kế hoạch phải ra được sản phẩm là lò phản ứng hạt nhân trong bao nhiêu năm, từ đó tính ngược thời gian, từng mốc thời gian phải hoàn thành những công việc cụ thể chứ không phải chung chung nữa.
Nhân dịp Xuân mới, Thủ tướng mong Ban Chỉ đạo có những kết quả mới, sản phẩm mới; phải có cách ứng xử mới, khẩn trương, phải có tư tưởng tấn công bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, huy động tiền vốn, nhân lực, chuyển giao công nghệ, làm với ai, làm như thế nào… để triển khai; vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên có thẩm quyền; vướng ở đâu phải giải quyết ở đó; đặc biệt là phải chấm dứt tình trạng các bộ, ngành trả lời “vòng vo”, trả lời chung chung mà phải trả lời rõ ràng, có thời hạn cụ thể. Phó Thủ tướng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và Bộ trưởng Công thương phải chịu trách nhiệm làm việc với các bộ, ngành; yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình làm việc của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng khẳng định, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, vấn đề khó, nhạy cảm, mang tính quốc gia đại sự, do đó, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể ở đây là rất cao, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thủ tướng mong Ban Chỉ đạo làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, có sản phẩm. Bộ Công Thương cần rà soát lại, ổn định cơ cấu của Ban Chỉ đạo, cần có các chuyên gia giỏi để tham mưu, giúp việc; từng phiên họp của Ban Chỉ đạo phải đạt mục tiêu cụ thể thì mới có thể đạt được mục tiêu chung.
Sau khi nghe các bộ, ngành, một số tập đoàn, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các yêu cầu cần làm ngay: kiện toàn Ban Chỉ đạo, bổ sung thêm các thành viên gồm thành viên một số tập đoàn, bộ, ban, ngành Trung ương. Liên quan tổ giúp việc, thường trực là Bộ Công thương mà trực tiếp cần bố trí một Thứ trưởng phụ trách; tập hợp các chuyên gia giỏi, hiểu việc, trách nhiệm, đam mê để giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, tham mưu, đôn đốc, tổ chức các cuộc họp, xử lý các công việc đột xuất, bất ngờ trong quá trình triển khai; bố trí chỗ làm việc theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, đam mê, trách nhiệm, hiểu biết.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Đối với nhóm công việc về luật pháp, Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện bổ sung sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử; tập trung trình một lần tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sắp tới, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân để bổ sung, hoàn thiện; những gì đã rõ, đã chín, được thực tế chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì luật hóa; phải làm khẩn trương, có chất lượng, cập nhật tình hình mới, thời sự của vấn đề này trong bối cảnh thế giới, tinh thần là phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin-cho, nghiêm cấm việc “chạy chọt”, tăng cường trách nhiệm cá nhân và tập thể được giao nhiệm vụ, không ôm đồm; những việc gì doanh nghiệp làm được tốt hơn thì giao làm.
Tinh thần xây dựng luật là nhanh, chất lượng, cái gì cần sửa mới sửa, khẩn trương, không vòng vo, đi thẳng vào vấn đề, cái gì cần sửa thì đưa vào luật; thậm chí khi cần vẫn phải sửa tiếp; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm có tính chất quyết định thắng lợi, thành công; "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Theo Thủ tướng, thời điểm ở lịch sử cần thì cần có những quyết định lịch sử, có những ứng xử phù hợp; yêu cầu tất cả các bộ, ngành thấy có cơ chế, chính sách đặc thù nào làm nhanh nhất, thuận lợi nhất để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân như giải phóng mặt bằng, sinh kế cho người dân, tổng diện tích đất đai, chỉ định thầu, rút ngắn thời gian thẩm định dự án… thì phải đề xuất trước ngày 15/2, Bộ Công thương tập hợp lại để báo cáo Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo cấp thẩm quyền, trình xin vào Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng yêu cầu rút ngắn mục tiêu so trước đây, theo đó, nếu khởi động dự án ngay năm 2025 này thì theo kế hoạch là đến 2031 hoàn thành, nhưng chúng ta quyết tâm, sớm triển khai ngay thì đến ngày 31/12/2030 là hoàn thành dự án nhà máy điện hạt nhân, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, 85 năm thành lập nước, xây dựng lại đường găng tiến độ của các ngành; trên cơ sở đó tiếp tục phân công công việc cho các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư liên quan công tác này; trong đó có việc lựa chọn đối tác; tiếp tục đàm phán với Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp… trên cơ sở vừa phải tôn trọng lời hứa của Việt Nam trước đây với các đối tác, đồng thời chú ý có đối tác dự phòng trong mọi tình huống.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về quy mô, công suất, tổng đầu tư, phụ thuộc vào đàm phán với các đối tác trên cơ sở những vấn đề đã được đàm phán, cập nhật thêm tình hình về công nghệ, quy mô công suất, tổng vốn đầu tư.
Về đào tạo, Thủ tướng đề nghị EVN rà soát lại số nhân lực đã đào tạo trước đây, mời đội ngũ này quay trở lại, có cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài; rà soát những ngành nghề tương tự để đào tạo bổ sung; nỗ lực tìm tổng công trình sư, Trưởng Ban quản lý dự án đáp ứng yêu cầu.
Thủ tướng nêu rõ cần đào tạo cơ bản và đào tạo chuyên sâu căn cứ thực tế dự án và yêu cầu của các nhà thầu. Thủ tướng quyết định giao EVN làm chủ đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh thuận 1; Petrovietnam làm chủ đầu tư Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Về vốn đầu tư, nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng chỉ đạo về bố trí vốn cho dự án, trong đó có việc sử dụng vốn dự phòng của năm 2025, làm ngay thủ tục để sử dụng nguồn vốn này trước ngày 15/2 này; yêu cầu Bộ Tài chính rút kinh nghiệm, cần thực hiện tinh thần “nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa, trông rộng”; hoan nghênh tỉnh Ninh Thuận đã triển khai ngay các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu kỹ, giải pháp một lần và tái định cư ngay theo các chủ trương mới, kể cả tạm thuê nhà cho người dân; Bộ Tài chính cấp đủ tiền cho Ninh Thuận làm việc này; tỉnh xây dựng lộ trình, đường găng tiến độ để trong năm 2025 phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống nhân dân tái định cư; nếu cần vốn, cơ chế, chính sách gì thì kiến nghị Chính phủ; Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận khẩn trương kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư… để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn.
Về bổ sung Quy hoạch điện VIII liên quan nguồn điện hạt nhân, Thủ tướng giao Bộ Công thương phải hoàn thành trước ngày 28/2/2025; lưu ý dù đấu thầu hay chỉ định thầu thì điều quan trọng nhất là người làm trong sáng, minh bạch, vì nhân dân phục vụ, không vụ lợi, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải tính toán khi làm quy hoạch, bổ sung quy hoạch; quy hoạch phải nhìn trên tổng thể lợi ích quốc gia, công bằng, tiến bộ xã hội, cân đối giữa các địa phương trên các vùng miền, trong đó có ưu tiên bố trí các công trình năng lượng trọng điểm tại các địa bàn khó khăn như các tỉnh miền trung; chú ý các tỉnh miền núi phía bắc khó khăn về phát triển hạ tầng giao thông.
Thủ tướng yêu cầu ngay trong tháng 2 này, các tập đoàn EVN, Petrovietnam tổ chức đoàn đi đàm phán ngay với các đối tác nước ngoài về các vấn đề liên quan; nêu rõ, tỉnh Ninh Thuận cần giải quyết ngay việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm người dân vùng dự án di dời đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, hoàn thành ngay trong năm 2025 này; tiến hành ngay đầu tư xây dựng sân bay vì tỉnh sẽ có hai nhà máy điện hạt nhân.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ để làm việc này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thẩm định nhanh nhất các thủ tục, đề xuất các cơ chế, chính sách; Bộ Tài chính bố trí kinh phí dự phòng theo quy định pháp luật, nếu cần ứng trước, nhất là ứng vốn cho Ninh Thuận giải phóng mặt bằng, kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực; tính toán huy động thêm các nguồn khác;
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định liên quan môi trường dự án. Về công tác truyền thông, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành, tập đoàn liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch để người dân giám sát, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết