Khẳng định vị trí trên mặt trận kinh tế

- Toàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp, HTX, chi nhánh trực thuộc công ty nhà nước, văn phòng đại diện của doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 22.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 song cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh luôn phát huy vai trò sáng tạo, năng động, vượt lên mọi khó khăn thử thách, từng bước khẳng định vị thế và khát vọng đưa quê hương Tuyên Quang vững bước đi lên.

Với chiến lược đi trước đón đầu bằng việc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang - VVMI cho biết: Công ty đã áp dụng công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới với dây chuyền sản xuất liên tục, khép kín từ khai thác nguyên liệu đến sản phẩm xi măng theo phương pháp lò quay, sấy khô. Dây chuyền thiết bị có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, ổn định và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu về tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Hiện công ty sản xuất được các sản phẩm xi măng PCB 30, PCB 40, Clinke 50 mang nhãn hiệu Vinacomin Tân Quang. Sản phẩm xi măng của Công ty đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Nếu như năm 2015, công ty sản xuất được trên 685.000 tấn, đến năm 2020 con số này đã lên đến trên 915.000 tấn sản phẩm xi măng các loại. Dự kiến năm 2021 sẽ vượt 1 triệu tấn sản phẩm. Doanh thu và lợi nhuận của công ty mỗi năm một tăng lên, năm 2016 lợi nhuận của công ty đạt trên 22 tỷ đồng, năm 2021 dự kiến sẽ đạt trên 31 tỷ đồng. Hiện Công ty Xi măng Tân Quang là một trong những đơn vị nằm trong top đầu có số nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất.

Sản xuất phôi thép tại nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang.

Từ một doanh nghiệp chỉ đảm nhận thi công các công trình xây dựng nhỏ, sau thành công của việc sản xuất bê tông thành mỏng đúc sẵn, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng do ông Nguyễn Ngọc Đình làm Giám đốc đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bê tông siêu tính năng. Với công nghệ được đánh giá là tiên tiến này, Công ty đã được Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam chọn là một trong 4 nhà thầu chính thực hiện dự án sửa chữa cầu Thăng Long, Hà Nội.

Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn doanh nhân Tuyên Quang năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, đóng góp vào ngân sách của địa phương và công tác an sinh xã hội của tỉnh. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, năm 2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.300 tỷ đồng và 9 tháng năm 2021, thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 1.700 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đóng góp gần 60%, giải quyết việc làm mới cho trên 13 nghìn lao động. Về giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 14.300 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 12.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,19% và Tuyên Quang đứng ở vị trí thứ 6/11 tỉnh miền núi phía Bắc về tốc độ tăng trưởng.

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, hợp tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, đặc biệt là thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, bảo đảm phúc lợi cho người lao động, tích cực tham gia các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng là hoạt động nổi bật của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua. Điều này được thể hiện rõ nét qua các hoạt động vì cộng đồng, công tác an sinh xã hội. Trong đó có phong trào ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; Ủng hộ Quỹ Vacxin; trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch; Chương trình doanh nghiệp Tuyên Quang hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong mùa dịch; Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”; ủng hộ làm nhà ở cho các hộ nghèo; xây dựng trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa, tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ các tỉnh bạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 với tổng số tiền, hiện vật trị giá 20 tỷ đồng. Có sự chung tay của các doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh đã giữ vững “vùng xanh” về phòng dịch, góp phần thực hiện “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Có thể khẳng định những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đời sống của nhân dân hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nhân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định rằng, doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nỗ lực vượt qua khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh từng bước chinh phục những thành công mới, đưa quê hương Tuyên Quang vững vàng hội nhập, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục