Đoàn khảo sát đến những điểm di tích nổi tiếng của phố cổ Hà Nội như: Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) - hiện đang trở thành không gian sáng tạo của Hanoia, đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), Ô Quan Chưởng. Bên cạnh đó, đoàn cũng khảo sát điểm tham quan mới, đó là Trung tâm văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm), đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật vào năm 2007. Di tích này mới hoàn thiện việc tu bổ, tôn tạo và đang được nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để đưa vào sử dụng, phục vụ đón khách du lịch trong thời gian tới.
Ngoài việc tham quan các di tích, di sản nổi tiếng của phố cổ, đoàn cũng khảo sát một số tuyến phố cổ có thể tạo sự kết nối phù hợp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch như: Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Lãn Ông, Hàng Mã... Dự kiến, du khách sẽ được trải nghiệm các sản phẩm du lịch phố cổ bằng xe điện.
Phó Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, trước dịch Covid-19, đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như biểu diễn ca trù, chầu văn, giới thiệu làng nghề tại các điểm di tích, di sản, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn ra, nhiều điểm di tích đang tạm đóng cửa để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Với bối cảnh mới "thích ứng an toàn với dịch", Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị để tăng tính kết nối các điểm di tích, di sản bằng những tour, tuyến mới, hấp dẫn hơn, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho du khách khi tham quan, trải nghiệm phố cổ.
"Chúng tôi không chỉ cố gắng kết nối các điểm di sản, di tích, phố nghề trong phố cổ Hà Nội mà còn mong muốn thực hiện sản phẩm kết nối khu Hoàng thành Thăng Long với phố cổ Hà Nội trong thời gian tới", bà Trần Thị Thúy Lan cho biết.
Đánh giá về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch mới cho khu phố cổ Hà Nội, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội) Nguyễn Hữu Việt cho rằng, khu phố cổ Hà Nội có giá trị rất lớn trong việc thu hút du lịch, không chỉ bởi quần thể đậm đặc các di sản, di tích, mà còn bởi đặc trưng riêng trong đời sống của cư dân.
"Các đơn vị điểm đến cần có sự kết nối mật thiết với doanh nghiệp lữ hành để tạo thêm nhiều tuyến tham quan hấp dẫn cũng như tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để thu hút du khách", ông Nguyễn Hữu Việt nói.
Ở góc độ lữ hành, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng đánh giá, tài nguyên di sản, di tích phong phú, đa dạng trong khu phố cổ có thể giúp các đơn vị xây dựng nhiều sản phẩm thu hút du khách trải nghiệm nhiều lần. Tuy nhiên, để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, bên cạnh việc kết nối các điểm đến, còn cần sự chung tay, tham gia của cộng đồng cư dân. Các đơn vị cũng phải tính đến việc đào tạo thêm đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức lịch sử, văn hóa về Hà Nội để có thể truyền cảm hứng và tình yêu Hà Nội cho du khách.
Theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, hiện nay, các di tích vẫn đang tạm đóng cửa nhưng đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch, quy trình đón khách an toàn như: Hệ thống quét mã QR, khai báo y tế điện tử, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn di tích... để sẵn sàng mở cửa đón khách khi được phép.
Tới đây, Ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức thêm các chuyến khảo sát và lấy ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử để sớm xây dựng kế hoạch ra mắt sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Gửi phản hồi
In bài viết