Anh Nguyễn Việt Lâm nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Năm 2016, anh Nguyễn Việt Lâm trở về quê hương khởi nghiệp bằng nghề trồng rau, quả bằng phương pháp thủy canh nhà kính tại xã Kháng Nhật (Sơn Dương). Tuy nhiên, sau 2 năm, rau thủy canh không hiệu quả do vận chuyển mất nhiều công, giá bán lại không cao. Anh Lâm đã chuyển sang thâm canh dưa lưới.
Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm về chọn giống nên chất lượng quả dưa chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Anh nhận một số phản hồi trái chiều như dưa chưa ngọt và giòn như một số giống dưa nhiều tiền, nhưng vẫn được người tiêu dùng ủng hộ vì là sản phẩm sạch. Quan trọng nhất, theo anh là người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn để có một sản phẩm sạch từ nguyên liệu đầu vào cho tới quy trình chăm sóc.
Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, anh Lâm tập trung chọn giống dưa cho quả mềm, có vị ngọt mát và mẫu mã đẹp. Anh cũng không dùng đất mà gieo toàn bộ hạt trên giá thể xơ dừa. Chăm chỉ, chịu khó cộng với thông minh, yêu nông nghiệp sạch, anh Lâm đã đạt được giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Tuyên Quang năm 2019” với Đề án canh tác dưa lưới theo công nghệ cao, sản xuất trong nhà màng, đưa sản phẩm dưa lưới của đơn vị đạt OCOP 4 sao.
Anh Nguyễn Việt Lâm (thứ 2) giới thiệu dưa lưới với khách tham quan.
Từ 2018 đến nay, sản phẩm dưa lưới mang “thương hiệu” của công ty đã có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh và các thành phố Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Sau 4 năm chuyển đổi hướng đầu tư, anh Lâm đã đi vào sản xuất ổn định, sản phẩm dưa lưới của đơn vị ngon, giòn, đẹp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm do anh làm giám đốc có doanh thu hàng năm ngót nghét tiền tỷ, đồng thời tạo việc làm cho 7 người, chủ yếu là lao động nữ ở địa phương.
Thành công hiện tại chưa khiến anh Lâm hài lòng. Dù có hệ thống nhà màng hiện đại, đủ sức chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động được chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh vẫn muốn đầu tư thêm dàn mái che tự động phía ngoài, thay vì phải dùng tay kéo lên xuống khi trời nhiều mây. Ngoài ra, anh Lâm dự định hiện đại hóa hơn nữa tủ điều khiển trung tâm, hiện mới dừng ở việc đo nhiệt độ, độ ẩm không khí. Theo anh, nếu có thể đo được độ dẫn điện, độ PH của dung dịch phân bón, đo cường độ bức xạ mặt trời, cường độ ánh sáng và cài đặt được giới hạn áp suất không khí, dưa của công ty anh có thể nghĩ đến việc xuất khẩu.
Hiện Công ty Sơn Dương Green Farm của anh Lâm đã liên kết với bốn đơn vị trồng dưa lưới khác tại khu vực phía Bắc. Dù vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là vốn. Theo anh Lâm, hệ thống nhà màng được đầu tư hàng trăm triệu đồng của anh không được tính là tài sản cố định và không thể sử dụng để vay thế chấp. Đây là bài toán rất khó trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh để tạo thêm việc làm cho người lao động.
Từng bước phát triển, anh Nguyễn Việt Lâm đã góp phần tạo ra giá trị từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng.
Gửi phản hồi
In bài viết