Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thi đấu và vô địch SEA Games 31.
Trong thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, vừa thực hiện nghiêm ngặt phòng, chống dịch, nhưng ngành thể thao vẫn nỗ lực duy trì được nhiều giải thi đấu quốc gia và Đại hội thể thao Đông Nam Á 2022 (SEA Games 31), đồng thời tổ chức cho các đội tuyển tham dự và đoạt thành tích cao tại các giải thi đấu quốc tế.
Bước đầu hướng ra “biển lớn”
Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với nỗ lực và trách nhiệm của nước chủ nhà đăng cai, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31. Không chỉ về thành tích chuyên môn với nhiều kỷ lục của Đoàn thể thao Việt Nam mà còn là công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và điều hành tổ chức thi đấu được các đoàn tham dự đánh giá cao và ấn tượng hơn cả là hình ảnh một đất nước yêu thể thao, một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển.
Đoàn thể thao Việt Nam đi vào lịch sử SEA Games với 205 Huy chương vàng (HCV), 125 Huy chương bạc (HCB), 126 Huy chương đồng (HCĐ), lập 17/30 kỷ lục đại hội, trong đó có 56% số HCV là ở các môn Olympic. Dấu ấn lịch sử tại kỳ SEA Games này là thành tích lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam lần thứ bảy đoạt ngôi vô địch và là lần thứ hai có HCV thứ ba liên tiếp và đặc biệt là việc bảo vệ thành công HCV của đội tuyển bóng đá nam U23.
Bên cạnh đấu trường SEA Games, bóng đá nam, nữ Việt Nam cũng có những thành tích nổi bật ở các sân chơi đẳng cấp, mang lại sự nhìn nhận mới của bạn bè quốc tế về bóng đá nước ta. Ngay cả những đội bóng mạnh hàng đầu châu lục cũng phải e dè, thận trọng khi đối đầu với đội tuyển nam, nữ Việt Nam ở cấp quốc gia và các lứa tuổi.
Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam lần đầu lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, trong đó nổi bật là chiến thắng 3-1 trước đội tuyển Trung Quốc trên sân nhà Mỹ Đình và trận hòa 1-1 với Nhật Bản trên sân khách. Việt Nam là đội bóng đầu tiên của Đông Nam Á có điểm tại vòng loại này và chính thức góp mặt vào vòng chung kết tại Giải bóng đá vô địch châu Á- Asian Cup 2023.
Trải qua hành trình gian khổ của vòng chung kết Asian Cup bóng đá nữ 2022, đội tuyển nữ Việt Nam cũng làm nên chuyện tưởng chừng như không thể là giành vé dự World Cup bóng đá nữ 2023. Ở các giải trẻ, đội tuyển U23 Việt Nam đã vào đến tứ kết bóng đá U23 châu Á và đoạt ngôi vô địch U23 Đông Nam Á, đội tuyển U17 và U20 Việt Nam thi đấu thành công ở vòng loại giải U17 và U20 châu Á 2023 để tiến vào vòng chung kết, cho thấy sự phát triển vượt bậc và hiệu quả trong công tác đào tạo của bóng đá trẻ Việt Nam.
Bên cạnh bóng đá, các môn thể thao khác cũng mang nhiều vinh quang về cho Tổ quốc. Ở các môn võ thuật, võ sĩ boxing Lê Hữu Toàn đoạt hai đai WBA châu Á và WBF châu Á-Thái Bình Dương; Đinh Hồng Quân giành đai boxing IBF châu Á lịch sử và “Độc cô cầu bại” Duy Nhất giành HCV Muay World Games. Cũng trong giải World Games, nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi đã xuất sắc đoạt được một HCV.
Tay đấm lừng danh từng giữ đai WBC châu Á Trần Văn Thảo tiếp tục tạo nên cột mốc vang dội khi giành đai boxing IBA thế giới. Ở trận chung kết hạng cân 50kg nữ giải boxing vô địch châu Á 2022, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm đoạt ngôi vô địch. Trong khi đó, đội tuyển aerobic Việt Nam đã gây bất ngờ khi lần đầu giành được HCV tại Giải vô địch aerobic thế giới 2022 tại Bồ Đào Nha.
Cuối năm 2022, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 đã diễn ra tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành phố phía bắc trong gần một tháng với 933 nội dung thi đấu thuộc 42 môn, thu hút 9.654 vận động viên (VĐV), trong đó có 5.715 VĐV nam, 3.939 VĐV nữ, thuộc 65 đoàn thể thao (63 tỉnh, thành phố và hai ngành Quân đội, Công an) tham gia thi đấu, lập dấu ấn về kỳ đại hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử thể thao nước ta về cả số lượng vận động viên và số môn thi đấu.
Tại đại hội lần này, đã có 53 kỷ lục quốc gia ở các môn: điền kinh, bơi, lặn… được xác lập; 96 kỷ lục đại hội được phá. Nổi bật là môn điền kinh khi thiết lập năm kỷ lục quốc gia và 15 kỷ lục đại hội với sự xuất hiện nhiều vận động viên trẻ thi đấu xuất sắc như Trần Thị Nhi Yến (Long An), Lê Thị Tuyết (Phú Yên), Ngần Ngọc Nghĩa (Công an)...
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng thi đấu thành công tại ASEAN Para Games 11, khẳng định sức mạnh của mình ở vị trí thứ ba với tổng cộng 182 huy chương, trong đó có 65 HCV, 62 HCB và 55 HCĐ. Đây là lần đầu đoàn thể thao nước ta đoạt thành tích cao như vậy kể từ ASEAN Para Games năm 2003 tại Hà Nội.
Tạo bệ phóng bền vững để vươn xa
Nhìn vào những thành tích nổi bật của thể thao Việt Nam trong năm 2022, có thể thấy thể thao nước ta đã khẳng định được phần nào vị thế hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, không chỉ là tạm thời mà là một vị thế chắc chắn cho thấy sự phát triển bền vững, đi dần vào thực chất trong những năm qua. Tuy nhiên, khả năng vươn tầm châu lục, nhất là ở đấu trường thế giới và Olympic của thể thao Việt Nam vẫn khá hạn chế.
Đường hướng xây dựng, phát triển lực lượng thể thao đỉnh cao ở các bộ môn cơ bản của ASIAD, Olympic, trong đó có lực lượng trẻ kế cận ở các đội tuyển quốc gia đang còn nhiều bất cập và là những thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Tuy chúng ta có được thành tích ấn tượng tại SEA Games 31, nhưng không ít môn thể thao tiếp tục sa sút, không duy trì được thành tích từng đạt được ở các đấu trường châu lục và thế giới như bắn cung, bắn súng... Ngay cả một số môn như bóng chuyền nam, nữ cũng chưa thể một lần giành ngôi đầu khu vực.
Một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của thể thao Việt Nam là căn bệnh thành tích vẫn đè nặng trong tư duy của những người có trách nhiệm như đã thể hiện ở việc tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 vừa qua.
Diễn ra trong hơn một tháng, đại hội đã để lại ấn tượng về một kỳ đại hội có quy mô lớn nhất về số môn thi đấu, số lượng vận động viên tham dự, nhưng chất lượng chưa tương xứng như kỳ vọng, chưa đánh giá đúng về thực lực các đoàn. Việc chạy theo thành tích đã ảnh hưởng không nhỏ đến những vận động viên đỉnh cao khi phải thi đấu tại nhiều giải, ảnh hưởng tiêu cực đến sức lực và phong độ.
Không ít môn thể thao phong trào được đưa vào đại hội tuy giúp các địa phương có được nhiều huy chương, nhưng đồng thời cũng làm giảm chất lượng chuyên môn và “cào bằng” thành tích, không động viên được các đoàn đã đầu tư ở những môn thể thao cơ bản Olympic.
Cũng vì chạy theo thành tích và cả những non kém về nghiệp vụ khiến thể thao nước ta khép lại năm 2022 với nỗi buồn “nghi án” doping khi một số vận động viên nước ta vi phạm các quy định phòng, chống doping ở một số môn như cử tạ, điền kinh, thể hình... trước và trong SEA Games 31.
Ngay từ mấy năm trước, vấn đề này đã được cảnh báo, nhưng không được giải quyết, xử lý triệt để, khiến các vụ việc không dừng lại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thể thao nước nhà và công sức của hàng trăm vận động viên thi đấu ở các đội tuyển.
Cùng với việc thiếu thiết bị đạt chuẩn trong xét nghiệm, giáo dục nâng cao ý thức của các huấn luyện viên, vận động viên, một phần nguyên nhân còn đến từ việc chúng ta thiếu quyết liệt và chưa triển khai đầy đủ các quy định về phòng, chống doping trong thể thao. Đây là vấn đề cần khắc phục nhanh chóng để bảo đảm sự đua tranh công bằng và xây dựng một nền thể thao trong sạch, phát triển bền vững.
Trong nhiều cuộc hội nghị, hội thảo và trên các diễn đàn, vấn đề “nâng tầm thể thao Việt Nam” đã được trao đổi, “đào xới” để hướng tới những giải pháp căn cơ cho sự phát triển bền vững của thể thao đỉnh cao nước nhà.
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật huấn luyện, thi đấu, tạo dựng phong trào tập luyện ở cơ sở, làm nền tảng sâu rộng và nguồn lực cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao Việt Nam là đầu tư chuẩn bị lực lượng thi đấu, không chỉ cho một vài kỳ giải hay đại hội khu vực mà còn cần nhìn xa hơn đến các sân chơi lớn.
Theo giới chuyên môn, cách làm thể thao của chúng ta vẫn còn mang tính dàn trải, chưa mang lại hiệu quả cao. Nếu hướng tới mục tiêu duy trì thành tích trong tốp ba đoàn dẫn đầu ở từng kỳ SEA Games được tổ chức hai năm một lần mà tập trung cả nghìn vận động viên mỗi năm khi nguồn kinh phí có hạn thì rất khó để vươn tầm ra các đấu trường lớn.
Chúng ta cần xác định rõ thế mạnh của thể thao Việt Nam và có những đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các môn thi đấu cơ bản của Olympic, ASIAD, có cơ chế, chính sách đầu tư tập trung, đãi ngộ, bồi dưỡng với các vận động viên thể thao chủ lực và cả lứa tài năng trẻ có nhiều triển vọng.
Trong đó, tập trung quan tâm đầu tư và có một chiến lược đào tạo trẻ bài bản sẽ giúp chúng ta từng bước xây dựng được một nền thể thao phát triển ổn định và bền vững, tạo điều kiện tối đa cho các vận động viên ở những môn trọng điểm được tập huấn ở các nước có nền thể thao phát triển hoặc thuê các chuyên gia, huấn luyện viên nước ngoài có trình độ giỏi hướng dẫn chuyên môn, giúp các vận động viên tài năng theo đuổi đam mê, khao khát chinh phục những đỉnh cao thể thao, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết