“Mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai”
Năm nay là năm thứ 4, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) được lựa chọn là địa điểm phát động Tết trồng cây.
Đồng chí Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, Kim Phú hiện có 2.100 ha rừng. Từ nhiều năm nay, ở xã không còn đất trống. Đất khai thác đến đâu, bà con trồng rừng đến đấy. Ngay sau lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Kim Phú phấn đấu trồng hơn 60 ha rừng trong những ngày đầu năm.
Từ 7 giờ sáng, đồng bào các dân tộc xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc truyền thống tập trung tại thôn 21, sẵn sàng cho Tết trồng cây. Không khí Tết dẫu vẫn còn vương vấn, nhưng khí thế sản xuất đã hăng say. Chị Triệu Thị Nái, dân tộc Dao đỏ ở thôn 22, xã Kim Phú phấn khởi, đây là năm đầu tiên chị được tham gia trồng cây đúng dịp phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, chị Nái kỳ vọng, không khí sôi nổi ngày hôm nay sẽ là động lực để mọi việc suôn sẻ cho năm mới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm trồng cây tại buổi lễ.
Chung không khí vui tươi, chị Quan Thị Khoa thôn 8, hy vọng năm mới tốt lành bội thu mùa màng, hy vọng không khí hối hả tấp nập của ngày phát động sẽ lan tỏa, tạo động lực cho bà con nhân dân, cho xã Kim Phú ngày càng phát triển, giàu mạnh.
Tại buổi lễ phát động, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, từ mùa Xuân năm 1960 đến nay, mỗi khi Tết đến Xuân về, nhân dân ta lại tổ chức “Tết trồng cây”. Hơn 6 thập niên trôi qua, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành truyền thống, một tập quán, một nét đẹp văn hóa, một phong trào quần chúng sâu rộng mang lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Trồng cây gây rừng đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đồng chí Chủ tịch nước cũng nhắn nhủ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thì trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau.
Tuyên Quang luôn là địa phương đi đầu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nêu cao quyết tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, đời sống người dân ngày càng tiến bộ.
Các thành tích về tỷ lệ trồng rừng mới hằng năm của Tuyên Quang đạt kết quả tốt: trồng trên 11 nghìn ha rừng/năm; tỷ lệ che phủ rừng luôn được giữ vững, ổn định trên 65%, đứng nhóm dầu cả nước, đứng thứ 2 cả nước về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham gia Tết trồng cây. Ảnh: Quốc Việt
Chị Trần Lệ Thủy, người dân thôn 13 trong bộ trang phục dân tộc Cao Lan phấn khởi chia sẻ, đây là năm đầu tiên chị được dự Tết trồng cây, những thông điệp mà Chủ tịch nước phát động trong ngày Tết trồng cây khiến những người nông dân như chị cảm thấy có động lực rất lớn trong trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Ngay sau lễ phát động, 60 cây chò chỉ và hơn 3.000 cây keo lai mô đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân trồng tại thôn 21, xã Kim Phú. Các địa phương trong tỉnh cũng khẩn trương trồng 10.500 ha rừng; tập trung bảo vệ trên 160.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; khai thác 1,2 triệu m3 gỗ phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định quyết tâm, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, bảo vệ rừng; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bảo đảm hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về môi trường, gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái, phát hành tín chỉ các bon và nguồn lợi khác từ rừng, tích cực xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của khu vực trên địa bàn tỉnh.
Mở ra xung lực mới cho phát triển
Cũng trong sáng ngày 15-2, dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn chính thức được khánh thành.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, với nhận thức hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế, là điểm nghẽn khiến tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh, tỉnh đã xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh.
Thông xe khánh thành đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn. Ảnh: Quang Hòa
Nhiều công trình giao thông trọng điểm được thi công, từ tuyến cao tốc đầu tiên Tuyên Quang - Phú Thọ, Tuyên Quang tiếp tục bắt tay xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và nhiều công trình giao thông trong tỉnh. Trong đó, Dự án đường trục phát triển đô thị là công trình trọng điểm của tỉnh. Năm 2021, đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn được khởi công, dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành.
Tại lễ khởi công, tỉnh đã hứa với Chủ tịch nước, sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch. Và giữ đúng lời hứa, với quyết tâm chính trị cao độ, Tuyên Quang đã hoàn thành dự án sớm hơn gần 1 năm so với kế hoạch. Dự án hoàn thành đã mở ra không gian mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Không giấu được niềm vui, bà Trần Thị An, người dân tổ dân phố Tứ Quận, thị trấn Yên Sơn chia sẻ: Đây thực sự là con đường của ý Đảng - lòng Dân, khi đã rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa thị trấn Yên Sơn với thành phố Tuyên Quang.
Các em học sinh hân hoan chào mừng ngày khánh thành đường trục phát triển đô thị. Ảnh: Thanh Phúc
Ông Phan Đức Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố Tứ Quận cho biết: Hơn chục hộ gia đình đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho dự án này. Tuyến đường đã giảm tải cho Quốc lộ 2, tránh được xe cộ đông đúc và đặc biệt, đi lại nhanh chóng, thuận tiện. Từ trước Tết nguyên đán, việc đi lại được thông suốt, nếu trước kia muốn về thành phố, bà con đi lại mất 30 phút, có khi hơn nếu đi vào giờ cao điểm, thì giờ, chạy xe máy từ thị trấn về thành phố chỉ mất 12 phút, thực sự là bước chuyển lớn, mở ra cơ hội lớn cho người dân trong tổ dân phố nói riêng và khu vực trung tâm nói chung.
Chủ tịch UBND thị trấn Yên Sơn Hoàng Trung Thông chia sẻ, bà con phấn khởi khi tuyến đường hoàn thành, mở ra rất nhiều cơ hội cho người dân. Thị trấn chuyển dịch từ nông lâm nghiệp sang dịch vụ thương mại rất nhanh. Việc nhanh chóng hoàn thành tuyến đường trục phát triển đô thị đã tạo ra xung lực mới, để thị trấn tiếp tục tiếp nhận và xây dựng nhiều dự án quan trọng khác, như dự án đường trục D2 qua tổ dân phố Nghĩa Trung đến trung tâm huyện, dự án tái định cư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang...
Năm 2024, Tuyên Quang quyết tâm đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trên 9%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng; thu ngân sách đạt 3.862 tỷ đồng; trồng mới 10.500 ha rừng, đón trên 2.750 triệu lượt khách du lịch. Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tiến độ xây dựng đường Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và các dự án trọng điểm của tỉnh; tích cực tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia; tạo việc làm cho trên 22.550 lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm trên 3% và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.
Không khí sôi nổi của ngày làm việc đầu tiên sẽ tạo khí thế mới, động lực mới để Tuyên Quang vững bước, hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết