Năm 1980, ông Ca tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Năm 1986, ông hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xuất ngũ trở về địa phương. Kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Ca luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo. Năm 2013, ông bắt đầu chăn nuôi lợn, với quy mô khoảng 5 con nái. Nhận thấy nghề chăn nuôi lợn có tiềm năng, lợi nhuận ổn định, ông Ca mở rộng quy mô, nâng tổng số lợn lên hơn 200 con/lứa.
Tuy nhiên, nghề chăn nuôi không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 16.000 đồng/kg, cùng với dịch lở mồm long móng khiến gia đình ông thua lỗ, thiệt hại lên đến gần 1 tỷ đồng. Thời điểm đó, tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ không chùn bước trước khó khăn, ông Ca vực lại tinh thần, tìm giải pháp mới để chăn nuôi hiệu quả hơn. Nhận thấy việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là hướng đi hiệu quả, ông bàn với gia đình tiếp tục vay vốn để đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín với quy mô lớn.
Ông Ca chia sẻ: Tất cả các dãy chuồng trại đều được xây dựng khép kín, tách biệt với bên ngoài để phòng dịch bệnh. Nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đàn lợn nái, lợn thịt đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, trong “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình ông vẫn duy trì được đàn lợn, không bị ảnh hưởng. Nhờ vậy, ông gỡ gạc được ít vốn, trả nợ khoản vay.
Đến nay, gia đình ông Ca đã xây dựng được 2 dãy chuồng và nuôi 20 lợn nái, 220 lợn thương phẩm. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường hơn 40 tấn lợn thương phẩm. Với giá lợn trung bình từ 46.000 - 65.000 đồng/kg lợn hơi, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Theo ông Ca để chăn nuôi đàn lợn đạt hiệu quả kinh tế cao thì ngoài yếu tố chọn giống lợn tốt thì việc phòng dịch và vệ sinh chuồng trại phải cực kỳ nghiêm ngặt. Định kỳ hàng tháng, gia đình ông tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn lợn. Bên cạnh đó, ông Ca đã đầu tư xây dựng hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và phun khử khuẩn sau mỗi đợt lợn xuất chuồng.
Ngoài chăn nuôi lợn, ông Ca còn đào 5.000 m2 ao thả cá, nuôi gối vụ, mỗi năm cho sản lượng 3 tấn cá thịt với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, thu nhập 60 triệu đồng/năm; trồng thâm canh 1 ha mía, mỗi năm cho thu nhập 60 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình, ông Ca còn tạo việc làm cho trên 8 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Gửi phản hồi
In bài viết