Bộ Công an phối hợp ngành Ngân hàng ứng dụng dữ liệu dân cư, xác thực điện tử

Với nguyên tắc “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, sau hơn 1 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030” (Đề án 06) đã kết nối chính thức 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp, 63 địa phương phục vụ việc khai thác, sử dụng thông tin dân cư phục vụ xây dựng Chính phủ số.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023.

Hoàn thành 4 Nghị định, 4 Thông tư văn bản pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, là căn cứ để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cơ sở pháp lý kết nối, chia sẻ, xây dựng dữ liệu dùng chung, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Kết quả mang lại 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như: Xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú 98,3%; thủ tục làm con dấu mới 90,8%; đăng ký thi online 93,1%.

Bộ Công an đã hoàn thành cấp cho người dân hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân, phấn đấu hết Quý II/2023 hoàn thành 40 triệu tài khoản định danh điện tử.

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023, do Ngân hàng Nhà nước chủ trì sáng 18/5, tại Hà Nội, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an khẳng định: ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử là động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng. Đồng thời Bộ Công an đã sẵn sàng để ngành Ngân hàng phối hợp, triển khai, ứng dụng vào hoạt động nghiệp vụ.

Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết: Xác định vị trí, tầm quan trọng của ngành ngân hàng là “huyết mạch”, dẫn dắt nền kinh tế của đất nước, Tổ triển khai Đề án 06 tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ký Kế hoạch phối hợp số 01 triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Đề án 06.

Theo đó, hai bên sẽ triển khai hoàn thành tốt với 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể. Mục đích của Kế hoạch phối hợp là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 đối với ngành Ngân hàng, bảo đảm 5 nhóm tiện ích phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng; Ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử đối với các hoạt động của lĩnh vực ngân hàng…

Thời gian qua, Bộ Công an tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng; Bảo đảm 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, C06 tham mưu Tổ Công tác triển khai đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét miễn giảm phí khai thác dịch vụ xác thực thông tin theo hướng phù hợp, đa dạng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số với chi phí thấp nhất.

Chuyển đổi số ngân hàng giúp gia tăng khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Với nền tảng dữ liệu dân cư bảo đảm đúng - đủ - sạch - sống và các dữ liệu làm giàu, Bộ Công an đã có “Bản đồ số” cho phép thống kê, phân tích, dự báo các chỉ số dữ liệu như: mật độ, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ, quan hệ hôn nhân, thành phần gia đình…

Đây là dữ liệu quan trọng mà ngành ngân hàng rất cần để hoạch định chính sách kinh doanh, chiến lược đầu tư tài chính, tín dụng, mở rộng thị trường, maketing sản phẩm mà không tốn kém chi phí cho khảo sát, đánh giá thị trường.

Đại tá Vũ Văn Tấn cũng chia sẻ một số giải pháp, sản phẩm, dịch vụ Bộ Công an sẽ triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng như: đang hoàn thiện giải pháp để cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư nhằm tạo thêm kênh thông tin tham khảo cho các tổ chức tài chính - ngân hàng đánh giá hiệu quả trước khi giải ngân các khoản tín dụng; Nhất là các khoản tín dụng nhỏ giải ngân nhanh, giảm thiểu tín dụng đen đang ngày càng lan rộng, ảnh hưởng tới đời sống xã hội.

Hiện, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đang phối hợp 5 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, VietinBank, PvcomBank, VIB) triển khai thí điểm giải pháp định danh, xác thực khách hàng trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID tiến tới cung cấp toàn bộ dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ nghiệp vụ ngành ngân hàng.

Về công tác phòng ngừa tội phạm, với các giải pháp Bộ Công an đã, đang và sẽ triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ góp phần rất lớn vào công tác phòng ngừa tội phạm, hạn chế lừa đảo, rủi ro nền tài chính như: Xác minh, làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, hoạt động phòng, chống rửa tiền, mở tài khoản đảm bảo, giao dịch đảm bảo, xác minh thông tin thuê bao, đánh giá tín dụng, hạn chế tín dụng đen…

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục