Chuyển đổi số ở cấp xã: Còn nhiều khó khăn

- Nghị quyết số 48 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025, 60% hồ sơ công việc ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Thực hiện mục tiêu này đặt ra nhiều việc phải làm đối với cán bộ, công chức cấp xã.

Thuận lợi để bứt phá

Thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để tranh thủ bứt phá. Hiện nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng băng rộng cáp quang, 100% UBND cấp xã được kết nối Internet băng rộng cáp quang, 1.408/1.733 thôn, tổ dân phố đã có hạ tầng Internet cáp quang, phủ sóng thông tin di động đến 97% dân số. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được trang bị chữ ký số.

Nhằm nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với trường Chính trị tỉnh đưa nội dung chuyển đổi số vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số, nền tảng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đây là những điều kiện khá thuận lợi để cấp xã đẩy mạnh chuyển đổi số.

Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, đến nay, tỉnh, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho 100% UBND cấp xã, trang bị đầy đủ máy Scan phục vụ cho công tác giải quyết thủ tục hành chính ở các xã, thị trấn. Nhiều xã, cán bộ, công chức đã ứng dụng hiệu quả công nghệ để giải quyết thủ tục hành chính công, tích hợp lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và quốc gia, đồng thời khai thác hiệu quả thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công việc.

Đồng chí Nguyễn Đăng Quang (ngoài cùng bên phải ảnh), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) sử dụng chữ ký số trong xử lý văn bản.

Đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) sau khi được trang bị 2 chữ ký số luôn sử dụng hiệu quả trong những chuyến công tác xa và đi họp. Anh chia sẻ, nếu như trước đây khi chưa có chữ ký số, một cán bộ đảm nhận hai vai như anh khá vất vả, có những công việc cần ký ngay nhưng cán bộ phải đi họp nên nhiều khi cấp dưới phải chờ đợi. Từ khi có chữ ký số chuyên dùng, anh đã tận dụng tối đa để ký xử lý văn bản, tài liệu mà không phải chờ đợi.

Tại xã Tứ Quận, 100% cán bộ, công chức của xã đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản để xử lý văn bản trên môi trường mạng. Tại bộ phận Một cửa của xã, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, văn hóa - xã hội đã cài đặt các phần mềm chuyên ngành để xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời khai thác hiệu quả thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công chức Tư pháp - hộ tịch xã Tứ Quận Ma Thị Hào cho biết, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, chị Hào giờ đây đã cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính các phần mềm đề xử lý công việc. Hàng ngày, chị cũng thường xuyên khai thác thông tin trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Cũng theo đồng chí Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, với việc sử dụng phần mềm quản lý và điều hành văn bản 100% trên môi trường mạng đã giúp cho cán bộ, công chức ở xã xử lý, giải quyết kịp thời công việc.

Cần tinh thần nêu gương của người đứng đầu

Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, mặc dù chuyển đổi số ở cấp xã có nhiều thuận lợi, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Đó là nhận thức của không ít cán bộ, công chức cấp xã chưa được đầy đủ. Hạ tầng số như máy tính, các thiết bị phù trợ nhiều nơi đã được đầu tư nhưng xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã. Một số xã đường truyền Internet chưa ổn định, chưa được quan tâm sử dụng, phát huy đường truyền Internet cố định FTTH 100Mb. Bên cạnh đó, kỹ năng số của cán bộ, công chức cấp xã và người dân vẫn còn một số hạn chế.

Công chức xã Phúc Ứng (Sơn Dương) tuyên truyền đến người dân về chuyển đổi số.

Đồng chí Chư Thị Nghĩa, công chức Tư pháp - hộ tịch xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) cho biết, không phải người dân nào khi đến giải quyết thủ tục hành chính cũng có điện thoại di động thông minh, cùng với đó là các thiết bị như máy tính, máy Scan chưa được đồng bộ nên cũng rất khó khăn cho công tác chuyển đổi số. Cũng theo chị Ma Thị Hào, công chức Tư pháp - hộ tịch xã Tứ Quận (Yên Sơn), thiết bị máy tính phục vụ cho công việc của công chức như chị cũng đã xuống cấp, nếu tải nhiều phần mềm về để phục vụ công việc, máy sẽ “treo” không hoạt động, nhiều người dân chưa có di động thông minh.

Trên thực tế, ở nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã quan tâm lãnh đạo và nêu gương thực hiện chuyển đổi số thì ở nơi đó, chuyển đổi số được triển khai rất quyết liệt và hiệu quả. Một số xã do chưa được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm nên chưa đấu nối và sử dụng hiệu quả một số thiết bị đã được trang cấp như đường truyền Internet cố định FTTH 100Mb, chữ ký số. Một số nơi, Tổ công nghệ số cộng đồng chưa được bố trí, sắp xếp đúng thành phần nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Do đó, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiến, để chuyển đổi số ở cấp xã thực sự chuyển biến cần sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. UBND các huyện, thành phố cần quan tâm hơn đến công tác tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số đối với cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chú trọng kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục