Ngủ trong ô tô thế nào cho an toàn?

Vụ việc đáng tiếc xảy ra hôm nay (2-6) tại huyện An Lão (Hải Phòng), khi 3 người có dấu hiệu bị ngạt khí trong xe ô tô, trong đó 1 người đã tử vong, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thói quen ngủ trong ô tô không đúng cách.

Trên lý thuyết, ngủ trong ô tô là an toàn.

Với bất kỳ người dùng ô tô nào, việc chợp mắt trong xe là điều không lạ, nhưng cần biết những lưu ý quan trọng để tránh thói quen này có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng.

Ngủ trong ô tô có an toàn không? 

Về cơ bản, ngủ trong ô tô là an toàn. Thiết kế xe nguyên bản không kín khí hoàn toàn, cho phép ôxy có thể thoải mái lưu thông qua khoang lái, giúp người bên trong thở dễ dàng ngay cả khi mọi cánh cửa đều đóng. Theo một nghiên cứu của Trung tâm thông tin sinh học quốc gia Hoa Kỳ, không khí trong xe sẽ được “làm mới” sau mỗi 1-3 tiếng, kể cả khi động cơ tắt và cửa kính đóng hoàn toàn. Các tài liệu chỉ ra, phải có ít nhất 8-9 người trong xe 5-7 chỗ mới bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu ôxy. 

Tránh “sát thủ vô hình”

Mặc dù vậy, thiếu ôxy không phải nguy cơ khi ngủ trong ô tô đóng kín cửa, mà khí CO (carbon monoxide) trong khí thải mới là sát thủ thực sự, gây ra nhiều vụ tử vong đáng tiếc. Cho dù xe ô tô của bạn thuộc loại gì, thì nguy cơ ngộ độc CO luôn hiện hữu, đặc biệt là khi bạn ngủ trong xe ô tô.

Điều đáng sợ ở chỗ, CO là chất khí không màu, không mùi, không vị, vì thế, con người không thể nhận ra đã hít phải thứ khí độc này cho đến khi quá muộn. Khi lượng CO trong máu vượt mức an toàn, người hít khí này có thể bị chóng mặt hay khó thở tạm thời. Một khi bị nhiễm ở mức cao, tử vong là khó tránh. 

Nên tắt điều hòa khi ngủ 

Việc tắt điều hoà nhiệt độ trong xe khi ngủ sẽ giúp tránh rủi ro nếu khí thải bị rò rỉ từ đường ống xả. Điều này xảy ra khá thường xuyên trên các xe đã cũ. Nếu nhiệt độ ngoài trời và trong xe chênh quá lớn, bạn có thể hé kính để tạo trạng thái cân bằng trước khi nghĩ tới việc nổ máy và bật điều hòa. Với xe điện, việc bật điều hòa khá an toàn do đặc thù thiết kế chỉ sử dụng điện, nhưng cần lưu ý để tránh cạn kiệt pin, khiến xe không thể di chuyển sau đó.  

Tránh làm cách âm, chống ồn sai nguyên tắc cho xe

Ngày nay, việc các chủ xe phun phủ gầm hay làm cách âm, chống ồn cho "xế cưng" không hiếm, nhưng làm thế nào cho đúng cách thì ít người biết. Trên ô tô thực tế có nhiều lỗ thoáng và các thiết kế khe hở để thoát nước, nhưng phần lớn những chi tiết này đều sẽ bị lấp kín nếu kỹ thuật viên dán/phun các lớp cách âm, chống ồn không có kiến thức chuyên môn cao. 

Tránh ngủ trên xe đỗ trong phòng kín 

Một điều ít người để ý là dù ô tô không kín khí, gara xe trong các hộ gia đình lại thường khá kín, và không có đường thoát cho khí thải nếu người dùng vừa nổ máy, vừa ngủ trong xe. Khi khí thải tràn ngập trong phòng, nó sẽ lọt ngược vào khoang lái, nguy cơ cao gây ra những hệ luỵ đáng tiếc. Vì thế, hãy bảo đảm nơi đỗ xe thông thoáng không khí trước khi chìm vào giấc ngủ. 

Chú ý tư thế ngủ

Hầu hết ô tô hiện nay đều cho phép chỉnh ghế vào các tư thế phù hợp với giấc ngủ, tránh các chấn thương ngoài ý muốn có thể xảy ra. Đơn cử, trên một số dòng xe Honda với Magic Seat, ghế của xe thậm chí có thể mở thẳng hàng để tạo thành một chiếc giường hoàn hảo. Cần tham khảo hướng dẫn sử dụng kèm theo xe để biết cách thiết lập phù hợp nhất.

Thông báo với người khác về việc bạn ngủ trong xe 

Việc ai đó biết bạn đang ngủ trên xe sẽ giảm rủi ro đáng kể. Họ có thể thỉnh thoảng kiểm tra tình trạng của bạn, và xử lý các sự cố nếu phát sinh. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc đặt hẹn giờ trước khi chìm vào giấc ngủ trên chiếc “xế cưng” của mình. 

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục