Nhiều công trình đoạt Giải Sáng tạo khoa học, công nghệ được ứng dụng trong sản xuất, đời sống

Ngày 10/8, tại Hà Giang, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Khoa học, công nghệ Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp UBND tỉnh Hà Giang, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Sáng tạo khoa học, công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Đông đảo các nhà khoa học dự Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết công tác tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học, công nghệ Việt Nam, đánh giá việc trao thưởng và quy mô ứng dụng của Giải thưởng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec, Phan Xuân Dũng cho rằng, trong 28 lần tổ chức, Giải thưởng đã có 3.052 công trình tham dự giải và 1.028 công trình đoạt giải, đem lại hiệu quả to lớn cho nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Các công trình đoạt giải tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, giải quyết việc làm, góp phần bảo vệ môi trường.

Từ năm 2001 đến 2022, đã có 30 công trình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương Vàng WIPO cho những công trình xuất sắc nhất, có đăng ký sở hữu trí tuệ với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết thêm, Giải thưởng Sáng tạo khoa học, công nghệ Việt Nam đang cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước từng bước khẳng định được vị thế và thương hiệu, góp phần tạo nên phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức và nhân dân lao động trong cả nước, có những đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, Hoàng Gia Long cho biết: Hà Giang hiện có hơn 28 nghìn trí thức công tác trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia tích cực trên các lĩnh vực công tác, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp; giữ vai trò nòng cốt, trực tiếp, đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và vận dụng tri thức khoa học và công nghệ vào hoạt động thực tiễn, tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần phục vụ đời sống nhân dân và sự phát triển của tỉnh…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Vũ Thanh Mai cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng là động lực và chìa khóa để tiến vào thời kỳ mới.

Các nhà công nghệ phải đề cao trách nhiệm, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu tạo ra các công nghệ mới về năng lượng, vật liệu, sinh học, môi trường, y tế… gắn nghiên cứu với ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đưa khoa học công nghệ về phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để người dân có thể áp dụng vào đời sống.

Những cơ chế, chính sách, điều kiện gì để thực hiện được tốt hơn nhiệm vụ này, trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để góp phần thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ nói trên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Vifotec, Lê Xuân Thảo, cho rằng: Các công trình khoa học tham dự Giải thưởng là những kết quả đã được đánh giá nghiệm thu của các đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước và cấp bộ, ngành, địa phương; các đề tài, dự án giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, tăng tỷ lệ xuất khẩu và giảm chi phí nhập khẩu...

Các đơn vị tích cực tham gia và nhận được nhiều giải thưởng phải kể đến Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng tàu (BUSADCO), Công ty cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón (FITOHOOCMON), các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Theo ông Trần Vĩnh Diệu, Trưởng Ban Giám khảo lĩnh vực Công nghệ Vật liệu, những công trình đạt được giải thưởng cao thường hội tụ được các yếu tố: Chủ nhiệm công trình đồng thời là người đứng đầu đơn vị đăng ký tham giải thưởng nên có thể huy động tài chính, nhân lực và trang thiết bị để phục vụ cho triển khai công trình nhằm đạt được bốn tiêu chuẩn của giải thưởng (tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế-xã hội-kỹ thuật, khả năng áp dụng rộng rãi); có phòng kỹ thuật hoặc trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D) tham gia; nội dung của công trình xuất phát từ nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất trọng tâm của đơn vị (công ty, nhà máy, viện, trường); có chiến lược phát triển dài hạn nên các sản phẩm mới kế tiếp nhau ra đời dựa trên nguyên tắc kế thừa và đổi mới.

Các nhà khoa học phát biểu tại hội thảo cho rằng, để các công trình đoạt giải thưởng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước, có giá thành rẻ hơn, thời gian nhanh hơn và chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại; đồng thời, cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học, công nghệ.

Nhân dịp này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trao 6 Cờ thi đua cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền Giải thưởng, Hội thi; 6 Cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công trình đoạt Giải thưởng, Hội thi vào sản xuất và đời sống và 13 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tuyên giáo; 9 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục