Tận dụng ưu điểm của công nghệ AI

Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, nhiều ứng dụng công nghệ mới được thử nghiệm, cập nhật liên tục và được nhiều người sử dụng nhằm hỗ trợ trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, cần có những cơ chế, chính sách kịp thời hướng dẫn và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Ảnh minh họa.

Công nghệ Artificial Intelligence - AI (trí tuệ nhân tạo) được xem là một trong những ngành công nghệ hàng đầu, giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống, có thể giao tiếp, học và tự thích nghi với môi trường chung quanh. Gần đây nhất, ứng dụng ChatGPT ra mắt, là một công cụ tương tác thông minh với con người do Công ty Open Al (Mỹ) phát triển.

Theo thống kê của ngân hàng đầu tư UBS, tính đến 31/1, ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, có 13 triệu người truy cập. Cho đến nay, hàng chục triệu người được trải nghiệm miễn phí ChatGPT, với nhiều lời khen, ngạc nhiên, và cả lo lắng trước những gì mà công cụ trí tuệ nhân tạo này thể hiện.

Các chuyên gia công nghệ bước đầu nhận định về ưu, nhược điểm của ứng dụng mới này. Theo đó, ChatGPT có thể tạo ra các nội dung văn bản giống với các nội dung được viết bởi con người; đưa ra câu trả lời nhanh, khá chính xác và được cá nhân hóa. Nếu người dùng không thỏa mãn với câu trả lời, họ có thể chia sẻ các phản hồi, từ đó cập nhật dữ liệu cho ChatGPT.

Một trong những hạn chế lớn nhất của ChatGPT là nó có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa.

Tuy là công cụ mạnh nhưng ChatGPT cũng có những nhược điểm cần cân nhắc khi sử dụng. ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế như: chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học; chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời; chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai; mức độ cảm xúc, sáng tạo còn hạn chế.

Một trong những hạn chế lớn nhất của ChatGPT là nó có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Tri thức của ChatGPT bị hạn chế đối với các sự kiện gần đây do việc huấn luyện trước các mô hình trí tuệ nhân tạo mất khá nhiều thời gian.

Ðối với phiên bản phát hành tháng 11/2022, ChatGPT chỉ có thể cung cấp thông tin về các sự kiện xảy ra từ năm 2021 trở về trước. Các chuyên gia cũng cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng.

Một số chuyên gia nhận định, việc sử dụng ChatGPT sẽ dẫn đến một số công việc bị ảnh hưởng như nghề viết quảng cáo, nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng... Sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.

Một số trường học ở một số nước đã chặn sử dụng ChatGPT trên các thiết bị và mạng của trường. Một số hội thảo khoa học yêu cầu không sử dụng các nội dung do ChatGPT tạo ra.

Sẽ ra sao nếu ChatGPT cho phép người dùng sử dụng tại Việt Nam? Nhiều ý kiến cho rằng, khi chúng ta chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, mọi thứ chỉ dừng ở mức thỏa mãn sự tò mò và mang tính giải trí nhiều hơn là tận dụng nó để làm việc. Học sinh, sinh viên có thể gian lận trong việc sử dụng những thông tin do trí tuệ nhân tạo tạo ra. Sự thiếu chính xác trong thông tin do trí tuệ nhân tạo cung cấp có thể gây ra hệ quả nghiêm trọng trong việc học hỏi và tiếp cận nguồn tri thức mới.

PGS, TS Hà Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Các tổ chức cần có đánh giá toàn diện về nghiệp vụ có thể ảnh hưởng bởi việc sử dụng ChatGPT để có thể tận dụng ưu điểm, hạn chế nhược điểm khi sử dụng. Ðối với nghiệp vụ cần các kết quả nhanh và tương đối chính xác, sử dụng ChatGPT sẽ giúp tăng hiệu quả công việc. Thí dụ, khi ứng dụng cho dịch vụ chăm sóc khách hàng, ChatGPT có thể tạo ra các nội dung văn bản nhanh và khá chính xác.

ChatGPT có thể tạo ra ý tưởng ban đầu cũng như các bản dự thảo cho rất nhiều chủ đề khác nhau giúp tiết kiệm thời gian. Ðối với các nghiệp vụ phức tạp, cần cân nhắc khi sử dụng. Các tổ chức, cá nhân cần có phân tích, nhận diện rủi ro của việc lạm dụng ChatGPT cho mục đích xấu. Thí dụ, các cơ sở đào tạo cần nhận diện rủi ro liên quan đến vấn đề đạo văn từ các nội dung do ChatGPT tạo ra để thay đổi phương pháp đánh giá đối với người học.

Hiện, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý về nguyên tắc đạo đức cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục