Tắt sóng 2G, 3G tạo cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số

- Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng sẽ phải thực hiện tắt sóng 2G để giải phóng tần số vô tuyến, phục vụ tốt hơn cho phát triển hạ tầng viễn thông di động và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Lộ trình đến tháng 9-2024 mạng 2G sẽ được tắt hoàn toàn trên phạm vi toàn quốc. Tại tỉnh ta, việc tắt sóng 2G đã và đang được các nhà mạng thực hiện.

Tắt sóng 2G, 3G theo đúng lộ trình

2G là công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ 2 ra đời từ những năm 90 của thế kỷ trước với tính năng mã hóa các cuộc hội thoại và tin nhắn dưới dạng kỹ thuật số. Đến nay, công nghệ này đã hoàn thành sứ mệnh. Chính vì vậy, việc tắt sóng 2G là điều cần thiết để giải phóng tần số vô tuyến, phục vụ tốt hơn cho phát triển hạ tầng viễn thông di động.

Vinaphone, nhà mạng có lượng thuê bao lớn trên thị trường Tuyên Quang đã và đang thực hiện các bước để tắt sóng 2G theo đúng lộ trình đặt ra. Ông Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật - Đầu tư, VNPT Tuyên Quang cho biết, để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G, Vinaphone đã gửi tin nhắn thông báo, đồng thời tăng cường nhân viên tổng đài trực tiếp liên hệ với từng chủ thuê bao để tư vấn hướng dẫn người dân chuyển đổi thiết bị trước thời điểm tắt sóng ít nhất 2 tuần.

Nhà mạng cũng rà soát số lượng thuê bao còn sử dụng mạng 2G để hỗ trợ chuyển đổi miễn phí sang sim 4G. Về lộ trình tắt sóng 2G, Vinaphone sử dụng thiết bị hiện đại nhất để quét sóng, khu vực nào hiệu suất sử dụng dịch vụ sóng 2G thấp sẽ thực hiện tắt để giảm chi phí cho đơn vị, tăng băng thông đường truyền. Hiện tại Vinaphone đã tắt 50 vị trí phát sóng 2G thuộc các khu vực đô thị, vùng phủ sóng 4G tốt.

Cán bộ kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật- Đầu tư, VNPT Tuyên Quang kiểm tra thiết bị đường truyền.

Viettel Tuyên Quang cũng đang tích cực chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc Viettel Tuyên Quang cho biết, hiện đơn vị đã tắt sóng 3G ở 1 số vị trí có lưu lượng sử dụng thấp. Tắt trạm 3G giúp Viettel đơn giản hóa mạng lưới, tối ưu hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ mới cũng như chi phí vận hành khai thác, bổ sung tài nguyên tần số cho mạng 4G để nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh lưu lượng và thuê bao data 4G ngày càng lớn. Theo ông Chuyên, Viettel đang triển khai thử nghiệm 5G, tiếp tục mở rộng vùng phủ 4G trên địa bàn toàn tỉnh.

Cũng như 2 nhà mạng lớn, MobiFone cũng đã thực hiện lộ trình tắt sóng 2G nhằm giảm chi phí hoạt động, đồng thời tăng băng thông đường truyền phục vụ các dịch vụ viễn thông khác. Ông Đinh Xuân Phong, cán bộ kỹ thuật MobiFone khu vực Tuyên Quang thông tin, hết tháng 3-2023 MobiFone đã tắt sóng 2G ở 50 vị trí theo đúng lộ trình đặt ra.

Báo cáo từ các nhà mạng, tại một số khu vực đã tắt sóng 2G, người dân đã chủ động chuyển sang các thiết bị 3G, 4G. Bà Nguyễn Thị Kim Sơn, tổ dân phố Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho biết, trước bà dùng điện thoại đen trắng, chỉ nghe, gọi, nhắn tin thông thường. Năm 2022, bà đổi sang điện thoại thông minh, được nhà mạng hỗ trợ chuyển đổi sim từ 2G sang 4G tiện ích nhiều, bà có thể sử dụng nhiều dịch vụ trên điện thoại thông minh như chuyển tiền online, gọi điện có hình ảnh...

Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh có 1.253 vị trí lắp trạm phát sóng BST, 100% các vị trí đều lắp đặt trạm phát sóng 2G, 3G, 4G. Toàn tỉnh có khoảng 700.000 thuê bao điện thoại, mật độ khoảng 100 thuê bao/100 dân. Hiện nay, phần lớn người dân sử dụng điện thoại thông minh bắt sóng 3G, 4G, chỉ có một số ít là thiết bị sử dụng sóng 2G. Đối tượng sử dụng thiết bị sóng 2G ngày càng thu hẹp, do vậy việc duy trì các trạm phát sóng 2G không chỉ khiến các doanh nghiệp viễn thông mất nhiều chi phí vận hành thiết bị công nghệ cũ mà còn lãng phí tần số vô tuyến.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Theo các chuyên gia về viễn thông, việc tắt sóng 2G đối với doanh nghiệp viễn thông là không khó, tuy nhiên sẽ khó cho 1 bộ phận khách hàng. Trên thực tế, khách hàng sử dụng mạng 2G hiện nay chủ yếu là người già, việc tiếp cận, sử dụng công nghệ sẽ hạn chế. Cùng với đó, với 1 tỉnh còn nhiều khó khăn, số thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia, lõm sóng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thông tin liên lạc của người dân. Thống kê của Điện lực tỉnh, toàn tỉnh vẫn còn 6 thôn chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho rằng, nếu tắt sóng 2G, nhà mạng cần bố trí thêm những trạm phát sóng 3G, 4G trên địa bàn, bởi thực tế một số điểm trong khu dân cư của xã vẫn trong tình trạng sóng yếu, lõm sóng.

Công nhân kỹ thuật Viettel lắp đặt trạm phát sóng 4G trên địa bàn huyện Yên Sơn.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, 3G sẽ gặp khó, song để bắt nhịp với xu thế vì một xã hội số thì khó cũng phải làm. Với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông từng bước xóa điểm trắng sóng, đồng thời tiếp tục tham mưu với tỉnh huy động nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo ông Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật- Đầu tư, VNPT Tuyên Quang, Vinaphone đã đầu tư lắp đặt thêm các trạm phát sóng 3G, 4G nhằm mở rộng vùng phủ sóng phục vụ tốt nhất cho khách hàng, trong đó 10 trạm phục vụ các bản trắng sóng di động theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Vinaphone cũng đã kéo 242.000 km cáp quang, lắp đặt 441 bộ chia cáp quang cấp 2 với dung lượng 3.500 thuê bao cung cấp dịch vụ Internet cho khách hàng khu vực khó khăn...

Viettel Tuyên Quang, từ năm 2022 đến nay đã phát sóng mới 51 điểm, đạt 114% kế hoạch; phát sóng 47/47 trạm Cosite 4G, đưa mạng cố định băng rộng đến 138 xã, phường, thị trấn, phủ đến 85% số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Viettel cũng đưa vào kinh doanh 17.508 cổng Gpon (điểm truy cập tới đa điểm) và mở rộng mạng lưới Gpon đến 286 thôn, bản. Từ nay đến hết năm 2023, Viettel lập kế hoạch đầu tư lắp đặt, phát sóng mới 47 trạm 4G, triển khai hạ tầng Gpon mạng cố định 15.000 cổng phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Lê Trung Dũng, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, bảo vệ quyền lợi của người dân khi nhà mạng thực hiện lộ trình tắt hoàn toàn sóng 2G, thanh tra sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; đồng thời thanh tra, kiểm tra tất cả các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động theo tinh thần Thông tư số số 43/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến”. Theo ông Dũng, từ năm 2021, các thiết bị điện thoại sử dụng mạng 2G sẽ không được phép kinh doanh, buôn bán trên thị trường.

Tắt sóng 2G, 3G sẽ giải phóng tần số vô tuyến, phục vụ tốt hơn cho phát triển hạ tầng viễn thông di động và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Các chuyên gia viễn thông cho rằng, khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới. Đó cũng sẽ tạo ra cuộc cách mạng thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một cách nhanh chóng.

  Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục