Thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các nhà khoa học nữ

Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), tỷ lệ nữ giới tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ vẫn thấp hơn nam giới. Bởi vậy, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới chọn chủ đề cho Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm nay (26/4) là “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo” nhằm khuyến khích nhiều hơn nữa phụ nữ sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ gia tăng giá trị cho công việc của mình.

Kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu nguồn gien và giống dược liệu quốc gia (Viện Dược liệu) kiểm tra cây trong phòng thí nghiệm.
(Ảnh DUY LINH)

Mới đây, tại hội thảo về nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu của nữ trí thức để phát triển đất nước, PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, những năm qua, nữ trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.

Rất nhiều đề tài ở các lĩnh vực khác nhau do nữ trí thức chủ trì ở quy mô quốc gia, cấp bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố được triển khai thực hiện đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Một trong những chính sách đó là Đề án 939/QĐ-TTg về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Qua 4 năm thực hiện đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án. Các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng chú trọng triển khai các hoạt động sở hữu trí tuệ phối hợp với các tổ chức của nữ giới.

Nêu thí dụ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đơn vị nghiên cứu hàng đầu cả nước về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ, PGS, TS Trần Tuấn Anh cho biết, không những tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng bổ nhiệm nhiều nhà khoa học nữ vào các vị trí lãnh đạo các ban chức năng, viện chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.

Nhiều gương mặt nữ trí thức tiêu biểu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được vinh danh bởi các giải thưởng trong nước và quốc tế, như Giải thưởng Kovalepxcaia, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Học bổng L’Oreal của UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”... Việc đánh giá đúng, đặt trọng trách và tôn vinh các nhà khoa học nữ không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ mà còn góp phần tạo cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển khoa học và công nghệ.

Vấn đề đáng quan tâm là theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới, chỉ có 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ. Tại Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế là phụ nữ. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, từ năm 2011, Chính phủ bắt đầu ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới theo giai đoạn 10 năm. Hiện nay, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 tập trung vào các mục tiêu về chính trị, kinh tế-lao động, gia đình, y tế, giáo dục-đào tạo, thông tin-truyền thông.

Trong các giai đoạn sắp tới khi khoảng cách giới trong vấn đề an sinh xã hội được thu hẹp thì lĩnh vực khoa học, công nghệ nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng sẽ cần được đẩy mạnh hơn để tạo cơ hội phát triển và đem lại lợi ích cho phụ nữ. Để thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, chính sách để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển.

Các quy định pháp luật, chính sách này cần xây dựng và cụ thể hóa theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, có đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần bổ sung những chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ. Chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên nữ giới hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cũng cần được xây dựng nhằm thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học nữ, doanh nhân nữ sáng tạo, giúp họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế.

Đồng thời, hợp tác với các chính phủ, tổ chức công, hoặc các tổ chức, hiệp hội khác để thực hiện các hoạt động liên quan hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ.

Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, sẽ tạo ra một môi trường tốt hơn cho nhà khoa học nữ, trong đó, họ có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm kết quả nghiên cứu của mình một cách tốt nhất, đồng thời nâng cao giá trị lao động của nhà khoa học nữ, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục