Thực tế ảo với bảo tồn văn hóa truyền thống

Việc phát triển công nghệ số trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam đang được quan tâm. Đặc biệt, vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống bằng việc ứng dụng công nghệ đang là nhu cầu cấp thiết. Kết hợp thực tế ảo với bảo tồn văn hóa truyền thống có thể giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam và tạo điều kiện để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam qua những hình ảnh di sản đặc sắc của dân tộc.

Nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Tương tác người máy HMI giới thiệu sản phẩm Vietnam Heritage sử dụng thực tế ảo trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Với phương châm “Đưa truyền thống đến hiện đại”, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Tương tác người máy HMI (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát triển và hoàn thiện sản phẩm Vietnam Heritage (gọi tắt là Vitage) sử dụng thực tế ảo trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Công nghệ này bước đầu đã được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên áp dụng.

Tiến sĩ Ma Thị Châu, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), đại diện nhóm nghiên cứu HMI cho biết, Vitage là hệ thống được xây dựng để mô phỏng lại các vở diễn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Đây là một trong những sản phẩm mà HMI phát triển, nhằm bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa dân tộc và đưa những loại hình này tiếp cận tới công chúng nhiều hơn nữa theo cách thức hiện đại. Sản phẩm được xây dựng trên máy tính có hệ điều hành Windows, tiếp cận người xem thông qua bộ thiết bị thực tế ảo HTC Vive. Sau khi lắp đặt thiết bị và chạy chương trình, người dùng có thể đeo kính thực tế ảo và ngay lập tức khám phá, trải nghiệm những di sản văn hóa Việt Nam một cách chân thực.

Hiện tại, Vitage đã xây dựng được 3 phòng trình diễn và trải nghiệm cho 3 loại hình văn hóa: Khám phá văn hóa phi vật thể, múa rối nước và nhạc cụ dân tộc. Cùng với sự kết hợp của công nghệ thực tế ảo, người dùng có những khám phá và trải nghiệm thú vị về nghệ thuật múa chèo, nghệ thuật múa rối nước, nhạc cụ dân tộc, các trang phục truyền thống...

Sản phẩm của nhóm nhận được phản hồi tích cực của cán bộ bảo tàng và khách tham quan. Người dùng đều đánh giá cao và hứng thú đối với sản phẩm. Anh Ma Ngọc Linh, cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên cho hay, các phần mềm được bảo tàng ứng dụng đã đem lại hiệu quả cao trong việc quản lý dữ liệu và trình diễn các tiết mục múa rối nước, khèn, sáo... của các dân tộc tới cộng đồng. Nhiều hiện vật được mô hình hóa 3 chiều, lưu trữ đầy đủ thông tin phục vụ nghiên cứu, tham quan. Cơ sở dữ liệu cũng giúp cho việc trưng bày tại bảo tàng đa dạng và độc đáo hơn, qua đó, văn hóa được lan tỏa tới cộng đồng nhiều hơn.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn, Vitage sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá sâu rộng hơn nữa tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế về văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác và đầu tư để mở rộng sản phẩm Vitage, triển khai công nghệ số hóa 3D và thực tế ảo vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hơn nữa, như: Giáo dục, y tế...

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục