Thị trường ô tô vào "chặng nước rút" cuối năm

Với 13.537 xe bán ra trong tháng vừa qua, thị trường ô tô trong nước có dấu hiệu khởi sắc sau gần nửa năm lao dốc vì tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, theo số liệu được công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh ngày 12-10 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số nhà sản xuất ngoài tổ chức, doanh số toàn thị trường đã tăng trưởng tới 52% so với tháng 8-2021, thời điểm doanh số ở mức thấp nhấp kể từ năm 2015 đến nay, thậm chí thấp hơn đáy cũ hồi tháng 2-2016 (dịp Tết) tới 3.000 xe. 

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tháng qua vẫn thấp hơn tới 50% so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm đại dịch chưa bùng phát). Điều này cho thấy sự phục hồi tuy đáng khích lệ nhưng chưa đáng kể. Bên cạnh đó, việc xe lắp ráp trong nước chỉ bán được 7.316 chiếc, tăng 37% so với tháng 8, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 6.221 chiếc, tăng 76%, đồng nghĩa sự chênh lệch giữa hai dòng sản phẩm này còn khá lớn. 

Ghi nhận từ các nhà sản xuất không thuộc VAMA cũng cho thấy diễn biến kinh doanh tương tự. Báo cáo của TC Motor (nhà sản xuất ô tô Hyundai tại Việt Nam) cho thấy, tháng 9 đã có 4.079 xe tới tay người dùng, tương đương mức tăng trưởng 87% so với tháng 8. Tuy nhiên, cộng dồn 9 tháng năm 2021, TC Motor mới chỉ bán ra 44.327 xe, thấp hơn mức 49.200 xe của cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, VinFast cũng ghi nhận 3.497 xe bán ra, cao hơn đáng kể so với hồi tháng trước, dù chưa đạt tới con số 3.684 xe của cùng kỳ năm 2020. Chín tháng năm 2021, hãng ô tô Việt đã bán được 25.527 xe cho người dùng; Fadil tiếp tục là “vũ khí” chủ lực, chiếm tới gần 70% tổng doanh số. 

Những tác động bất thường của đại dịch cũng dẫn đến nhiều diễn biến hiếm thấy trên thị trường ô tô, trong đó đáng chú ý là việc Ranger, mẫu xe tưởng chừng sẽ suy giảm do dịch bệnh lại có doanh số tăng gấp nhiều lần. Trong khi đó, “vua” phân khúc xe đa dụng (MPV) Mitsubishi Xpander cũng lần đầu chịu lép vế trước Suzuki XL7.  

Nhìn về phía trước, diễn biến dịch Covid-19 tại nhiều thành phố lớn đã có dấu hiệu tích cực, đem lại tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện TC Motor cho rằng, các biện pháp quyết liệt của Chính phủ thực sự đã có hiệu quả, giúp tình hình giãn cách được nới lỏng. Việc nhiều địa phương bước vào trạng thái bình thường mới đã giúp nhu cầu mua xe ô tô của người dân được kích thích trở lại. Cùng với đó, các nhà sản xuất cũng có thể cung cấp trở lại các dịch vụ cần thiết, bao gồm cả bàn giao xe.

Tuy nhiên, một số nhà quản lý các thương hiệu cũng quan ngại về việc sau khi lượng xe tồn với giá tốt được bán hết, phản ứng của thị trường vẫn khó đoán định, đặc biệt là khi đề xuất giảm thuế, phí vẫn chưa có công bố cụ thể. Trong bối cảnh đó, các hãng xe đã chủ động có các phương án giảm thiểu rủi ro, tập trung vào chiến lược ra mắt sản phẩm mới kết hợp ưu đãi mạnh tay để đón đầu làn sóng mua sắm. Ngay trong tháng 10, THACO - nhà lắp ráp KIA tại Việt Nam đã gây sốc khi đồng loạt tung ra “binh đoàn” xe mới, đồng thời công bố lộ trình điện hóa nhiều mẫu sản phẩm quan trọng như Sorento hay Sportage. 

Nổi bật trong số các gương mặt mới không chỉ là K3 với ngoại hình ấn tượng nhằm thế chân Cerato, mà còn có crossover đô thị cỡ nhỏ Sonet (giá khởi điểm từ 499 triệu đồng) và MPV Carnival với giá từ 1,199 tỷ đồng cho phiên bản 8 chỗ, tới 2,4 tỷ đồng cho phiên bản 7 chỗ ngồi.

Trong khi KIA Carnival kế thừa tự nhiên vai trò của Grand Sedona và ít tạo ra biến động, Sonet có thể đột phá doanh số, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Lý do là bởi Toyota hiện đã công bố và chuẩn bị mở bán Raize, mẫu sản phẩm được giới chuyên môn nhận định sẽ thống trị phân khúc xe cỡ nhỏ đô thị trong những tháng tới, đặc biệt là khi có mức giá dự kiến chỉ từ 450 triệu đồng.

Tương tự đối thủ Hàn Quốc, Nissan cũng đưa ra thị trường trong nước chiếc sedan Almera hoàn toàn mới, thay thế cho Sunny già cỗi. Với kiểu dáng hoàn toàn mới và hệ thống vận hành ưu việt hơn đáng kể thế hệ tiền nhiệm dựa trên động cơ tăng áp 1.0L, Almera 2021 có 3 phiên bản MT, CVT và CVT cao cấp, tương ứng giá bán 469 triệu đồng, 529 triệu đồng và 579 triệu đồng. Những khách hàng đặt mua sớm được ưu đãi tiền mặt và phụ kiện với giá trị khoảng 20-40 triệu đồng.

Về phần mình, VinFast cũng đang theo sát kế hoạch ra mắt chính thức chiếc xe điện e34 vào ngày 15-10 tới. Mẫu xe điện vốn là tâm điểm chú ý của giới truyền thông suốt một năm qua sẽ bắt đầu bàn giao cho khách hàng trong tháng 11 như đã hứa. Với ngưỡng 25.000 xe được đặt trước sau 3 tháng mở bán, dễ hiểu khi e34 được kỳ vọng sẽ tạo ra kỳ tích về số xe VinFast bàn giao cho khách hàng trong những tháng cuối năm. 

Với nhiều biện pháp tiếp sức, thị trường ô tô chắc chắn còn nối đà khởi sắc trong những tháng tới, giúp các nhà sản xuất đạt mốc doanh số năm theo mong muốn. Tuy nhiên, khả năng thành công của các kế hoạch kinh doanh cũng như tốc độ thực thi vẫn là điều chưa thể nói ngay vào lúc này, bởi còn quá nhiều biến số. Hơn bao giờ hết, sự thích ứng linh hoạt cần được các thương hiệu đề cao để có thể hoàn tất chặng nước rút 2021.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục