Liên minh châu Âu (EU) mới đây thông qua một phần Bộ quy tắc đầu tư thân thiện với môi trường, theo đó, từ năm 2022, khối này sẽ thực hiện phân loại danh mục đầu tư xanh trong các lĩnh vực như vận tải và xây dựng. Bộ quy tắc trên đề ra các tiêu chí về môi trường trong đánh giá những dự án đầu tư về năng lượng tái sinh, vận tải và sản xuất ô-tô. Đây là một phần nỗ lực của EU nhằm hướng dòng vốn đầu tư vào các dự án phát thải carbon thấp. Đức, thành viên có vị thế và vai trò chủ chốt trong “ngôi nhà chung” EU, cũng phát huy tinh thần tiên phong trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Đức có kế hoạch dành 60 tỷ euro cho Quỹ đầu tư tương lai, trong đó tập trung bảo vệ môi trường và làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu. Liên minh “đèn giao thông” gồm các đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức cam kết tăng cường sử dụng năng lượng bền vững, nhất trí tới năm 2030 sẽ có 15 triệu xe ô-tô chạy điện hoàn toàn lưu thông trên đường phố, cao hơn nhiều so với con số chỉ hơn 500.000 xe hiện nay.
Trong nỗ lực chung hướng tới một tương lai trung hòa khí thải CO2, nhiều quốc gia tại “lục địa già” cũng đẩy mạnh đầu tư, phát triển ngành năng lượng hydro xanh. Chính phủ Bỉ đã phê duyệt chiến lược đưa nước này trở thành trung tâm nhập khẩu và vận chuyển hydro tái tạo. Trong khi đó, Tây Ban Nha có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ euro vào các dự án sản xuất hydro xanh trong vòng ba năm tới. Số tiền này sẽ lấy từ Quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ euro của EU.
Nước Anh mới đây cũng công bố Chiến lược trung hòa khí thải nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế không CO2, với mục tiêu tạo ra 440.000 việc làm lương cao và thu hút 90 tỷ bảng Anh vốn đầu tư tư nhân vào các ngành công nghiệp xanh. Hội nghị cấp cao đầu tư toàn cầu (GIS) diễn ra tại Anh do Thủ tướng Boris Johnson (B.Giôn-xơn) chủ trì ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) chính là cơ hội để Anh thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế đổ tiền vào những dự án năng lượng xanh và bền vững tại nước này.
Tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang là thách thức khiến giới chức các nước châu Âu phải trăn trở ứng phó. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), ô nhiễm không khí từ các ngành công nghiệp ở châu Âu gây ra những thiệt hại về sức khỏe và môi trường ước tính lên tới 430 tỷ euro mỗi năm. Báo cáo của EEA nhấn mạnh, ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện, chủ yếu chạy bằng than, là nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người và môi trường, tiếp theo là khí thải từ các ngành công nghiệp nặng, xử lý và sản xuất nhiên liệu. Đáng nói là, trong số 30 cơ sở gây ô nhiễm nặng nhất trên toàn cầu, có tới 24 nhà máy nhiệt điện và 15 nhà máy nằm ở khu vực Tây Âu.
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt dần tài nguyên thiên nhiên là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống mỗi người. Việc châu Âu tập trung đầu tư cho các dự án chuyển đổi xanh là những bước đi đáng hoan nghênh vì tương lai phát triển bền vững của nhân loại.
Gửi phản hồi
In bài viết