Màn hình máy tính tiền hiển thị “màn hình xanh chết chóc” tại một cửa hàng tạp hóa bị ảnh hưởng bởi sự cố máy tính toàn cầu ở Sydney, Australia, ngày 19/7/2024. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, trong ngày 19/7, sự cố CrowdStrike xảy ra liên quan lỗi của bản cập nhật phần mềm do CrowdStrike cung cấp, gây rối loạn các hệ thống máy tính trên toàn cầu khi hầu hết các dịch vụ trực tuyến sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft đều xuất hiện “màn hình xanh chết chóc”.
Sự cố này đã gây gián đoạn hoạt động trên diện rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, khiến các chuyến bay phải dừng, buộc các đài truyền hình ngừng phát sóng và khách hàng không thể tiếp cận các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe hoặc ngân hàng.
Microsoft cho biết, mặc dù tỷ lệ phần trăm ảnh hưởng còn nhỏ nhưng tác động kinh tế và xã hội lớn phản ánh việc CrowdStrike đã được các doanh nghiệp ứng dụng vào vận hành nhiều dịch vụ quan trọng của mình.
CrowdStrike - vốn đạt vốn hóa thị trường khoảng 83 tỷ USD - là nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng lớn trên thế giới.
Công ty này cho biết, đã đưa ra giải pháp khắc phục sự cố kết hợp với nền tảng đám mây Azure của Microsoft để đẩy nhanh quá trình khắc phục. Tuy nhiên, quá trình này có thể cần vài ngày.
Microsoft cũng cho biết thêm rằng họ đang hợp tác với Amazon Web Services và Google Cloud Platform, đồng thời chia sẻ thông tin về những tác động mà Microsoft đã phát hiện được trên toàn hệ thống.
Một ngày sau sự cố CrowdStrike, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đang dần khôi phục hoạt động sau khi hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy, khiến hành khách bị mắc kẹt hoặc vạ vật chờ đợi hàng giờ ở các sân bay.
Delta Air Lines (Mỹ), một trong những hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cố này cho biết, tính đến cuối ngày 20/7, hơn 600 chuyến bay của hãng đã bị hủy, đồng thời dự kiến nhiều chuyến khác cũng trong tình trạng tương tự.
Gửi phản hồi
In bài viết