Phim “Nhà bà Nữ” gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng phê bình điện ảnh.
Điện ảnh đi lên, phê bình đi xuống?
Việc bộ phim gây tranh cãi nhất năm 2023 là “Nhà bà Nữ” được vinh danh "Phim Việt hay nhất" và Trấn Thành là "Đạo diễn xuất sắc" tại Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng vừa qua đã khiến cộng đồng phê bình phim dậy sóng. Không ít người cho rằng, việc trao giải cho phim là “chiều” theo số đông. “Nhà bà Nữ” đang nắm giữ kỷ lục phim Việt có doanh thu cao nhất với con số lên tới gần 500 tỷ đồng. Song, bộ phim này cũng nhận rất nhiều “gạch đá” từ một số cây bút phê bình điện ảnh nổi tiếng trong nước khi cho rằng chất lượng phim không xứng tầm với doanh thu, chưa nói đến việc được trao giải thưởng...
Mới đây, trong cuộc tọa đàm "Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: “Phim bom tấn đang không được định giá trong các diễn đàn phê bình nghiêm túc mà chủ yếu là các chương trình truyền thông của nhà sản xuất. Điều này gây ra khoảng trống không tích cực”.
Chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần về vấn đề này, nhà báo Hoài Hương (Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Lý luận, phê bình điện ảnh của chúng ta đang rất thiếu, rất yếu. Gần như những bộ phim ra rạp chỉ có những “reviewer” phim, diễn viên đóng phim ấy như thế nào, nội dung ra sao... mà không có những bài viết chuyên sâu để lý giải cái hay, dở về kỹ thuật, nghệ thuật, nội dung kịch bản, phong cách, trào lưu... theo đúng cách của lý luận phê bình”. Thực tế này rất đúng với những bộ phim được coi là “bom tấn” gần đây của Việt Nam, khi tiếng nói của các nhà phê bình dường như “rơi vào thinh không”, trong khi chiến lược truyền thông của các công ty phát hành lại quá mạnh mẽ, chiếm ưu thế trên mọi diễn đàn, đặc biệt là mạng xã hội.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thừa nhận, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật lâu nay vẫn bị xem là yếu, trong đó có lý luận, phê bình điện ảnh. Đặc biệt là trong gần hai chục năm trở lại đây, dường như thị trường điện ảnh càng lên thì lý luận, phê bình càng đi xuống!
“Phê bình bẩn” lên ngôi ?
Nhiều nhà phê bình cho rằng hiện nay, họ đang làm phê bình không công, làm vì trách nhiệm xã hội, trong khi đó, nếu thẳng thắn phê bình thì họ có thể bị những hội nhóm quá khích trên mạng “đánh hội đồng”. Chính sự thiếu, yếu và tâm lý ngại va chạm đó đã tạo nên một khoảng trống trong phê bình phim chính thống, từ đó tạo nhiều “đất” hơn cho “phê bình bẩn”, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội.
“Phê bình bẩn” ở đây được hiểu là khen, chê phim bằng mọi giá để đạt được mục đích, lợi ích cá nhân. Hiện nay, điện ảnh Việt đang tồn tại một thế lực có khả năng tác động, định hướng dư luận, có sức ảnh hưởng đến kết quả phòng vé. Đó là các seeder - một thuật ngữ chỉ những tài khoản tạo nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau. Seeder thường bình luận ở các bài đăng của người có ảnh hưởng, hay trên các fanpage, nhóm lớn nhằm tạo luồng dư luận, lôi kéo nhiều người cùng tham gia bình luận khen hay chê một bộ phim nào đó. Các bình luận này khi xuất hiện liên tục sẽ đánh vào tâm lý người đọc, khiến họ tò mò muốn đi xem hoặc tẩy chay phim ngay từ khi chưa ra rạp...
Trên thực tế, các tài khoản seeder có khả năng nâng hạng hay “dìm” không thương tiếc một bộ phim nào đó, khiến cho ngay cả các nhà sản xuất, đơn vị phát hành cũng phải “sợ hãi”. Chẳng hạn, dịp lễ 30-4 vừa qua, nhiều người trong giới đã phải lên tiếng vì tình trạng seeder hoạt động quá mạnh, có tác động mang tính chi phối đối với người xem qua những thông tin không chính xác. Một nội dung nổi trội là thông tin mang tính chê bai diễn viên Trấn Thành đi kèm với nội dung khen phim “Lật mặt 6” của Lý Hải. Có hàng nghìn bình luận có nội dung như vậy xuất hiện trên các diễn đàn khiến chính Lý Hải cũng phải lên tiếng xin khán giả không nên so sánh anh với nghệ sĩ khác... Mặc dù nhiều nghệ sĩ cảm thấy bức xúc vì bị chơi xấu, chê bai thiếu căn cứ song không dễ xử lý các tài khoản kể trên do rất khó xác định được ai là người đứng sau loạt seeder gây nhiễu loạn thông tin.
Rõ ràng, khi phê bình chính thống thiếu và yếu, các chiêu trò PR, “phê bình bẩn” sẽ lên ngôi. Đúng như PGS.TS Phan Trọng Thưởng chia sẻ, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng "đốt đuốc đi tìm nhà phê bình, hoặc ai cũng là nhà phê bình". Đội ngũ phê bình không theo kịp đời sống văn học nghệ thuật thì sẽ "tự hủy" vai trò của mình trước dư luận về văn học nghệ thuật.
Gửi phản hồi
In bài viết