Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh vừa tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, doanh nhân và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2020. Đến dự hội nghị có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Có thể nói, đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, từ một tỉnh ở vị trí thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng chỉ số PCI, Tuyên Quang đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự năng động của các cơ quan chức năng, đặc biệt là phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Tuyên Quang là khởi nguồn của nhiều cách làm sáng kiến trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân và triển khai thực hiện khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành (DCI) vào năm 2014; đến năm 2018, Tuyên Quang lại là tỉnh thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước. Có thể nói, đây là những cách làm thực sự hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền để thực hiện mục tiêu phát triển chung.
Doanh nghiệp phát biểu tại Chương trình Cà phê doanh nhân được tổ chức ngày 24-4. Ảnh: Thành Công
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, từ cách làm sáng tạo ở Tuyên Quang đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều tỉnh học tập Tuyên Quang tổ chức Chương trình Cà phê Doanh nhân và nhiều hoạt động đổi mới để nâng cao chỉ số PCI được bắt nguồn từ Tuyên Quang. Những đổi mới này đều có vai trò quan trọng của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám đấu tranh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.
Chương trình Cà phê Doanh nhân là sự gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền tỉnh, nhiều vướng mắc, tồn tại hạn chế được lãnh đạo tỉnh giải quyết kịp thời đã xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước - mấu chốt quan trọng để doanh nghiệp bứt phá đóng góp sự nghiệp đổi mới.
Đây là những kết quả của Tuyên Quang mà không phải nơi nào cũng có được nhưng Tuyên Quang lại chưa làm tốt truyền thông để nâng tầm thương hiệu của Chương trình Cà phê Doanh nhân trong phạm vi cả nước. Không ít người vẫn tưởng rằng, Chương trình Cà phê Doanh nhân được khởi nguồn từ tỉnh Đồng Tháp, nhưng thực tế Đồng Tháp làm sau Tuyên Quang, bởi trước đó đoàn công tác của tỉnh đã vào Đồng Tháp thảo luận và hai bên đã thống nhất xác nhận thời điểm triển khai trương trình ở Tuyên Quang năm 2014 và Đồng Tháp triển khai sau đó 1 năm.
Do đó, trong thời gian tới, Tuyên Quang cần tiếp tục tổ chức hiệu quả hơn chương trình này, tiếp tục tạo sức lan tỏa đối với những đổi mới sáng tạo để làm cầu nối cho doanh nghiệp với chính quyền. Khi có sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp, Tuyên Quang mới thực sự đi lên, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực.
Đại diện các doanh nghiệp dự Chương trình Cà phê Doanh nhân đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những vấn đề cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu tại chương trình đã đề xuất với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh lấy tiêu chí chỉ số DCI để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố. Cùng với đó, là thành lập Hội đồng tư vấn của UBND tỉnh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Hai đề xuất này được lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao và được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm, lãnh đạo tỉnh nhất trí cao và bắt đầu thực hiện từ năm nay. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, đưa tiêu chí này để đánh giá năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố là rất cần thiết, quan trọng, bởi “cán bộ nào phong trào ấy”, người đứng đầu có tận tình, trách nhiệm thì công việc mới suôn sẻ, giải quyết kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp, nhân dân. Đây là yêu cầu quan trọng tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, tạo thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh tăng thấp nhất trên bảng xếp hạng kể từ năm 2014 đến nay. Nguyên nhân do một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự tập trung, linh hoạt, quyết liệt trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tư duy và quyết tâm chính trị của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa cao, chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Chính vì vậy, lấy tiêu chí chỉ số DCI để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu là rất cần thiết, tạo chuyển biến mới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trên bảng xếp hạng trong thời gian tới, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết