Các em học sinh Trường THCS An Khang (TP Tuyên Quang) với ngày hội đọc sách.
Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi, lợi ích từ việc đọc sách mang lại có những điểm khác biệt. Thời gian qua, thư viện tỉnh đã tích cực đổi mới, từng bước tạo điểm nhấn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc. Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, Thư viện tỉnh hiện có 427.556 bản sách, báo, tạp chí. Trung bình mỗi năm Thư viện phục vụ trên 91 nghìn lượt bạn đọc, duy trì trên 1.300 lượt thẻ thư viện. Hàng năm đơn vị phối hợp tổ chức Hội Báo xuân, Ngày hội sách và văn hóa đọc, Triển lãm sách, báo giới thiệu sách mới theo các chủ đề, tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”... Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách, xây dựng những mô hình thư viện xanh trong trường học, mô hình thư viện lưu động...
Là bạn đọc thân thiết với thư viện, chị Nguyễn Thị Hậu, phường An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết: “Vào dịp cuối tuần tôi và các con thường đến Thư viện tỉnh để đọc sách. Ở đây có nhiều sách hay, bổ ích phục vụ cho công việc giảng dạy của mình. Các con đến đây thích thú với kho truyện cổ tích, sách viết về các nghệ danh, truyện tranh, sách dạy kỹ năng sống... Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, tận dụng khoảng thời gian giãn cách, tôi đã đưa các con đến đây để được hòa mình vào thế giới rộng mở của sách”.
Cùng với phục vụ bạn đọc thì tại thư viện tỉnh, các thư viện huyện và tủ sách cơ sở các xã đều chú trọng hoạt động liên kết phối hợp luân chuyển sách để xoay vòng ấn phẩm đến tay người đọc. Chị Lý Thị Yến, cán bộ phụ trách thư viện, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Hàm Yên cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị luân chuyển được 17.870 lượt sách, báo phục vụ hơn 9.450 lượt bạn đọc. Nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của thiếu nhi trong dịp hè, hiện nay thư viện đã nhập mới 200 bản sách bao gồm: Sách văn học, mỹ thuật, thể dục - thể thao, khoa học khám phá, truyện cổ tích, truyện tranh...
Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có 134 tủ sách cơ sở đặt tại nhà văn hóa xã. Trung bình mỗi tủ sách 150 - 200 bản sách, ngoài ra còn nhận được sách từ các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương, Thư viện tỉnh tặng. Tổng số sách có trong các tủ sách cơ sở là 58.000 bản. Mỗi năm 1 lần cán bộ thư viện huyện luân chuyển sách cho các xã, mỗi lần luân chuyển từ 150 - 200 bản sách/xã. Mạng lưới tủ sách cơ sở góp phần đưa thông tin, kiến thức xã hội đến với người dân nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang).
Đặc biệt, cuối tháng 9-2019, Thư viện tỉnh được tiếp nhận một xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Vụ Thư viện) phối hợp với Tập đoàn VinGroup (Quỹ Thiện tâm) trao tặng. Từ ngày có ô tô thư viện lưu động đa phương tiện đi vào hoạt động, đã có hàng chục nghìn học sinh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với “Ánh sáng tri thức”.
Thầy giáo Lê Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Nhữ Hán (Yên Sơn) cho biết, thông qua mô hình thư viện lưu động, các em có cơ hội được tiếp cận với đầu sách mới, góp phần bổ sung kiến thức. Nhiều học sinh hào hứng tiếp nhận thông tin một cách thích thú và chủ động.
Một trong những hoạt động nổi bật nhằm phát triển văn hóa đọc trong thời gian gần đây là Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” sân chơi dành cho các em học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh nhằm tìm ra những gương mặt tiêu biểu, truyền cảm hứng niềm đam mê đọc sách đến bạn bè và người xung quanh. Được biết, chỉ sau hơn 2 tháng phát động Cuộc thi Ban
tổ chức đã nhận được từ 8.000 đến 9.000 bài tham gia dự thi của học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh.
Ba năm liền, em Nguyễn Diệu Anh, trường THCS Phan Thiết liên tục đoạt giải nhất Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Tuyên Quang. Diệu Anh chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, tối nào Diệu Anh cũng được mẹ đọc truyện cho nghe. Rồi lớn lên biết đọc, mẹ thường mua sách, khuyến khích em đọc. Với Anh, mỗi ngày đọc một trang sách không những giúp mở mang kiến thức mà còn dạy chúng ta nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Loại sách mà em thích đọc nhất là sách dạy về triết lý cuộc sống vì qua những quyển sách đó giúp em có lý tưởng sống tốt hơn, có quyết tâm hơn để chinh phục ước mơ.
Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Qua các cuộc thi và các hoạt động mang sách đến với cộng đồng chúng tôi thấy, nhiều bạn trẻ thật sự không thờ ơ với văn hóa đọc. Các em vẫn đam mê đọc sách, thẩm thấu và rung động bởi những trang sách hay, mang tính giáo dục cao. Rõ ràng, văn hóa đọc đã không bị lãng quên, chỉ cần chúng ta biết thắp lên và giữ cho ngọn lửa đam mê đọc cháy mãi...”.
Gửi phản hồi
In bài viết